Cháu Nguyễn Đức Thanh bị kẹt dịch ở Gia Lai, hàng ngày ôm máy tính học và chơi game, khiến phụ huynh lo lắng
Phụ huynh lo lắng
Chị Thục Vy, một viên chức của Bộ TN-MT, đang làm việc và sinh sống tại TPHCM, có 2 con, một bé học lớp 7 và một lớp 4. Khi mùa hè đến, chị gửi 2 con của mình về nhà ông bà nội ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), với chủ ý cho các bé thư giãn, nghỉ ngơi 3 tháng hè với người thân. Dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 tại TPHCM, vậy là từ cuối tháng 5 đến nay, 2 bé bị “mắc kẹt” tại quê nhà.
“Các cháu bị kẹt do dịch và phải sống xa ba mẹ đã 5 tháng qua. Ở quê, người lớn phải làm việc suốt, các cháu ở nhà cả ngày ôm máy tính học và chơi game nên tính tình gần đây cũng thay đổi. Gần đây, cháu nhỏ Đức Thanh của tôi có dấu hiệu trầm cảm nên tôi khá lo lắng”, chị Thục Vy thổ lộ.
Theo chị Vy, qua theo dõi báo chí, chị biết Sở GTVT TPHCM đã công bố thủ tục cho phép các bậc phụ huynh ở thành phố đi đón con em bị kẹt dịch tại các địa phương. Ngặt nỗi, ngày phép trong năm 2021 đã hết nên chị không biết làm cách nào để về nhà ba mẹ chồng đón con về.
“Người dân chỉ mới biết Sở GTVT TPHCM ban hành quy định hướng dẫn thủ tục cho những gia đình đón con nhỏ bị mắc kẹt do dịch ở quê và các địa phương khác về lại thành phố, nhưng không có điều kiện để đi lại bởi các tỉnh, thành chưa thống nhất với nhau về vận tải hành khách công cộng. Gia đình đã chuẩn bị phương án khi 2 con về tới TPHCM, sẽ đưa đi khám bác sĩ tâm lý ngay”, chị Vy sụt sùi.
Cũng hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Tiến Hùng, ngụ phường 13, quận Gò Vấp (TPHCM) lại có con nhỏ đang kẹt ở TP Pleiku (Gia Lai). Do dịch bùng phát mạnh đầu tháng 6 ở TPHCM, vợ anh Hùng động viên chồng gửi con gái 7 tuổi tên Hải Uyên về nhà ngoại tránh dịch. Ai dè 4 tháng trôi qua, tình hình dịch bệnh ở Gia Lai diễn biến ngày càng phức tạp, cơ quan chức năng địa phương hạn chế cho mọi người đến địa phương này. Dù cháu Uyên được ông bà ngoại thương yêu, lo lắng hết mực, thậm chí anh Hùng đã chuyển hồ sơ để tạm nhập học cho bé tại TP Pleiku, nhưng gần đây, cháu Uyên nhớ mẹ, mỗi lần gọi về cứ khóc suốt. Muốn đi Gia Lai đón con về lại thành phố nhưng anh Hùng không thể đi khi chính quyền địa phương quy định: người về từ TPHCM phải có chứng nhận tiêm 2 mũi vaccine, xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ, thậm chí phải cách ly tập trung 7 ngày…
Cần linh động phối hợp giữa các địa phương
Trong tuần đầu tháng 10, các tổ đại biểu số 4, 6, 7 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã có buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri các quận Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận… Cử tri Huỳnh Trần Thanh Phong (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cho hay, việc phụ huynh di chuyển về các tỉnh đón con em quay lại thành phố chưa thuận tiện, thủ tục khó khăn và kiến nghị tổ ĐBQH có ý kiến với các ngành tạo điều kiện mở “luồng xanh” cho người dân đón con em mình về. “Sở GTVT TPHCM đã ban hành quy định hướng dẫn thủ tục cho các gia đình đón con nhỏ bị mắc kẹt vì dịch ở các địa phương khác về lại thành phố nhưng những tỉnh, thành khác lại chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Do đó, các sở ngành TPHCM cần nhanh chóng phối hợp với các tỉnh tạo điều kiện đưa các cháu trở lại thành phố để kịp chương trình học tập”, cử tri Huỳnh Trần Thanh Phong băn khoăn.
Theo Sở GTVT TPHCM, tuần qua, sở đã nhận hơn 10.000 đơn đề nghị của người dân đi các tỉnh để đón người thân, con cái quay lại thành phố. Sở đã phản hồi, giải quyết được 1/3 đơn bằng cách làm thủ công. Do đây là nhiệm vụ mới nên Sở GTVT chưa chuẩn bị kịp về công nghệ. Hiện lượng đơn tăng lên hàng giờ, người dân thành phố có nhu cầu rất lớn về việc này. Những ngày qua, UBND TPHCM đã có văn bản gửi UBND các tỉnh nhưng việc qua lại giữa các chốt chưa thực sự thuận lợi nên người dân đi lại rất khó khăn. Vì thế, Sở GTVT vừa tương tác với người dân để cập nhật thông tin chính xác, vừa tương tác với các tỉnh để phối hợp giải quyết nhu cầu của người dân.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, Bộ GTVT đang làm việc với các địa phương để sớm nối lại hoạt động giao thông liên tỉnh nhất là các hoạt động vận tải hành khách, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, phát triển kinh tế - xã hội.