Cuối tuần qua, NHNN đã có 3 công văn trả lời rõ về các quy định huy động vốn khi gần đây trên thị trường tiền tệ, nhiều NHTM triển khai hàng loạt sản phẩm tiền gửi, áp dụng nhiều hình thức huy động khác nhau nhằm lách quy định trần lãi suất của NHNN.
Đóng nhưng vẫn mở
Ngày 10-3 NHNN ban hành Thông tư 04 quy định NHTM áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của các tổ chức tín dụng theo từng đồng tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn. Để đối phó Thông tư 04, ngoài việc nâng lãi suất không kỳ hạn lên 9-12%/năm, nhiều NHTM đã thông báo với khách hàng lãi suất không kỳ hạn sẽ được hưởng bậc thang theo số tiền gửi.
Như tại Eximbank có chương trình tiền gửi thanh toán lãi suất bậc thang, được xem là tiền gửi thanh toán không kỳ hạn của khách hàng doanh nghiệp. Khi tham gia sản phẩm này khách hàng được hưởng lãi suất bậc thang theo nguyên tắc bậc số dư tiền gửi bình quân trong tháng càng cao, lãi suất càng cao.
Tuy nhiên, theo NHNN hình thức tính lãi suất này không phù hợp với quy định tại Thông tư 04. Như vậy, tới đây các NHTM triển khai sản phẩm này sẽ phải điều chỉnh lại cách tính lãi suất theo quy định Thông tư 04 của NHNN.
![]() |
NHNN vẫn giữ trần lãi suất huy động không vượt quá 14%/năm. Ảnh: LÃ ANH |
Về việc các NHTM huy động vốn dưới hình thức nhận vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân để cho vay gần đây, không ít NHTM lợi dụng nghiệp vụ này để lách trần lãi suất huy động 14%/năm.
NHNN cho biết: “Các NHTM được thực hiện nghiệp vụ ủy thác và nhận vốn ủy thác để cho vay. Theo đó, ủy thác cho vay là việc bên ủy thác giao vốn cho NHTM thông qua hợp đồng ủy thác để trực tiếp cho vay, thu nợ đối với khách hàng; bên ủy thác trả phí cho bên NHTM và thu lãi tiền vay. Vì vậy, việc các NHTM huy động vốn dưới hình thức nhận vốn ủy thác là không đúng pháp luật”.
Ngoài ra, về việc các NHTM áp dụng mức lãi suất huy động và có các chương trình khuyến mại, NHNN yêu cầu các NHTM phải giải trình cụ thể việc áp dụng lãi suất huy động vốn cộng với khoản chi phí khuyến mại dưới mọi hình thức với lãi suất không vượt quá 14%/năm.
Điều này cho thấy NHNN vẫn giữ quan điểm về trần lãi suất huy động 14%/năm, dù trước đó có nhiều ý kiến nên nâng trần hoặc nới điều kiện huy động cho các NHTM trong bối cảnh huy động vốn tiền đồng ngày càng sụt giảm. Tuy nhiên, trong công văn mới có điểm mở cho các NHTM.
Khi NHNN chi nhánh Tiền Giang hỏi về việc có nhiều NHTM quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VNĐ 14%/năm đối với kỳ hạn 1, 2 và 3 ngày nhằm đối phó trước việc bị áp dụng lãi suất không kỳ hạn với khách hàng rút vốn trước hạn, NHNN cho biết việc ấn định mức lãi suất huy động vốn đối với các kỳ hạn cụ thể do các NHTM xem xét quyết định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường, phù hợp với quy định tại Thông tư 02.
Như vậy, với trả lời này các NHTM vẫn có thể niêm yết đụng trần lãi suất 14%/năm với các các kỳ hạn ngắn 1, 2 và 3 ngày.
Không huy động VNĐ đảm bảo bằng USD
NHNN cũng vừa có công văn trả lời đề nghị của ACB áp dụng sản phẩm huy động vốn và cho vay bằng VNĐ và đảm bảo giá trị bằng USD. NHNN cho rằng theo quy định của pháp luật về hoạt động huy động vốn, ACB không được thực hiện huy động vốn dưới hình thức nhận tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ và đảm bảo bằng USD, cũng như các hình thức huy động vốn khác không phù hợp với quy định của pháp luật.
Về cho vay bằng VNĐ, ACB và khách hàng vay có thể thỏa thuận đồng tiền trả nợ và việc bảo toàn giá trị nợ gốc theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ban hành theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN.
Thực tế, trước đó Agribank đã thông báo chương trình khách hàng gửi tiết kiệm VNĐ tại Agribank vào ngày gửi tiền, toàn bộ số tiền tiết kiệm bằng VNĐ sẽ được quy đổi tương đương với USD theo tỷ giá mua chuyển khoản do Sở Giao dịch Agribank công bố vào 8 giờ 30 phút ngày thực hiện gửi tiền. Vào ngày đáo hạn, khách hàng được nhận lại bằng tiền VNĐ từ số tiền gốc tương đương USD theo tỷ giá mua vào bằng chuyển khoản USD/VNĐ do Sở Giao dịch Agribank công bố.
Nếu tỷ giá mua vào của ngày đến hạn cao hơn tỷ giá mua vào ngày gửi tiền, khách hàng được hưởng phần chênh lệch tăng thêm quy đổi VNĐ. Trường hợp tỷ giá mua vào ngày đến hạn bằng hoặc thấp hơn tỷ giá mua vào ngày gửi, khách hàng được hưởng nguyên số tiền gốc VNĐ ban đầu. Không chỉ có Agribank, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex mới đây đã triển khai chương trình gửi tiết kiệm VNĐ bảo đảm theo giá trị USD.
Như vậy, nếu ACB không được thực hiện nghiệp vụ này, chắc chắn Agribank và Ngân hàng Petrolimex cũng phải chấm dứt huy động vốn VNĐ theo hình thức này.
Có thể thấy việc ngân hàng triển khai sản phẩm này thời gian qua chưa phát sinh khi giá USD liên tục sụt giảm so với VNĐ. Theo đó, người gửi tiền vẫn thực nhận lãi suất đúng trần 14%/năm, khoản bù thêm tỷ giá tăng từ NH dẫn đến vượt trần 14%/năm chưa có trên thực tế, hoặc các khoản tiền gửi theo sản phẩm này chưa đến kỳ đáo hạn.
Vấn đề đặt ra là với trường hợp NH đã lỡ huy động qua sản phẩm trên, khi đáo hạn nếu tỷ giá tăng và phải thực hiện bù đắp cho khách hàng theo điều khoản của hợp đồng, thì phải xử lý thế nào? Hay những trường hợp đó không hồi tố, NHNN vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Theo một chuyên gia NH về dài hạn nên cho phép các NHTM được thực hiện hình thức huy động này nhằm đa dạng hóa sản phẩm tiền gửi, vừa giúp NH có thể hút được tiền gửi dân cư. Đồng thời khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn hình thức gửi tiền phù hợp dựa trên dự đoán của mình về tỷ giá, lãi suất.
Nếu cấm các NHTM huy động cũng chỉ là biện pháp tình thế chứ không tác động nhất định đến tâm lý và xu hướng gửi tiền của người dân.