Hôm ấy cũng là kỷ niệm ngày sinh của chú Phạm Hùng, ngày 11-6. Một cuộc gọi từ Singapore như sét đánh: “Chú Sáu mất rồi”! Nhận tin xong, tim tôi đập loạn xạ… Rất khó cho tôi khi điện báo tin đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long. Từ ngày ấy tôi luôn ghi nhớ: Hàng năm cứ đến ngày sinh của chú Phạm Hùng là kỷ niệm ngày mất của chú Võ Văn Kiệt.
Những ngày này, trong không khí khẩn trương của tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức nhiều hoạt động, nhiều công trình chuẩn bị chào mừng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008), lòng tôi cảm thấy bồi hồi nhớ về chú. Lúc ban đầu được tiếp xúc với chú, tôi chỉ là cán bộ phục vụ, nhưng rất may mắn được gần gũi với chú từ những buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, các cuộc chú đi khảo sát ở cơ sở cũng như những buổi chú làm việc với huyện, xã…, đặc biệt là khi chú gặp và đối thoại với các hộ dân và chủ doanh nghiệp. Được tiếp cận học tập ở chú, tầm nhìn của tôi “lớn lên” từ đó. Năm 2004, tôi được phân công về làm đại biểu chuyên trách Hội đồng Nhân dân tỉnh, nên không còn cơ hội trực tiếp phục vụ chú nữa.
Khu lưu niệm chú Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long hiện nay khởi đầu từ nhà khách của Huyện ủy Vũng Liêm. Khi nghỉ hưu, chú thường về quê, thực hiện một số việc riêng và nghỉ ở nhà khách ấy. Nhà khách đã được xây dựng lại, hình thành một số phòng nghỉ khang trang, riêng biệt, liền kề một dãy, phía trước có hồ cảnh, cây bóng mát, cây kiểng và sân cỏ xung quanh. Rồi phục dựng lại di tích hồ Vũng Linh, dãy trưng bày về chú, khuôn viên… gắn liền cụm Công viên thị trấn Vũng Liêm, khu hành chính, khối Đảng của huyện. Ở Công viên Vũng Liêm hiện có ngôi nhà 3 gian, trưng bày công cụ nông nghiệp.
Tôi nhớ lúc còn khỏe, chú bảo tôi: “Có dịp, cháu xuống xem khung nhà gỗ đem về có được bảo quản kỹ không, hay bị mối ăn hết rồi”! Ngôi nhà ấy, sơ bộ trưng bày như thế, đó là bước đầu cho việc thực hiện ý định đầu tư Bảo tàng Nông nghiệp cho ĐBSCL tại Vũng Liêm, gắn kết với Công viên thị trấn Vũng Liêm và khu lưu niệm về chú. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất đã thiết kế, thể hiện ý tưởng của chú suốt quá trình chú về Vũng Liêm.
Nơi sinh ra và tuổi thơ của chú tại Bình Phụng cũng phục dựng lại bờ ao, bến nước để gợi nhớ, gợi thương… Gần đó là ngôi trường tiểu học được bà Phan Lương Cầm - phu nhân của chú - hỗ trợ vốn để xây dựng khang trang, sạch đẹp cho các cháu có nơi thuận lợi học tập. Khu mộ gia đình cũng được quy tập, nâng nền, xây mộ cho cao ráo sạch sẽ… Có lần, tôi cùng chú đến khu mộ ấy. Thấy đơn sơ quá, tôi buộc miệng: “Sao chú không cho xây nhà mồ luôn vậy chú?”. Chú đáp: “Ở quê, người ta sao mình vậy”. Rồi ngôi đình Bình Phụng, nơi gắn liền tuổi thơ, đá banh, nhảy lò cò, xem hát đình trộm… chú cũng góp phần đầu tư xây dựng lại. Chú góp 1 tỷ tiền mặt. Sau khi xây xong ngôi đình, tôi cũng có dịp cùng chú về thăm được đôi lần và mỗi lần đi như thế tôi cảm nhận chú rất vui!
Chú có ý tưởng khá thú vị khi góp ý để phát triển tỉnh nhà. Lúc đầu tỉnh định và đã triển khai xây dựng Khu công nghiệp Mỹ Thuận, khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh tại đoạn từ nhà máy nước lên tới chân cầu Mỹ Thuận. Chú không tán thành và đề xuất vị trí ấy nên xây dựng khu thương mại, du lịch và nghỉ dưỡng. Chính vì vậy, tỉnh quyết định dời Khu công nghiệp Mỹ Thuận về Khu công nghiệp Hòa Phú hiện nay. Rất tiếc định hướng của chú cho khu Mỹ Thuận đến nay chưa được hình thành và phát triển. Chú nhìn ra khu vực này là điểm nhấn nổi bật, thúc đẩy sự phát triển. Nếu xây dựng thành công, khu vực này sẽ có sức thu hút mạnh khi nhà đầu tư đi ngang hoặc đến Vĩnh Long!
Hay khi nghe tỉnh báo cáo việc xây dựng Khu công nghiệp Bình Minh tại xã Mỹ Hòa, chú không yên lòng bởi chú cũng từng nghe và biết đến thương hiệu bưởi 5 roi. Thế nên, chú đã thực hiện một chuyến khảo sát thực tế tại vùng bưởi 5 roi. Khi ấy, Khu công nghiệp Bình Minh đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và dãy nhà đang chờ hoàn thiện. Chú rất muốn giữ vùng bưởi đang ăn khách… nên đề xuất đưa Khu công nghiệp Bình Minh sang khu vực cập Quốc lộ 53 đoạn giữa Bình Minh và Bình Tân, nhưng vì đã tiến hành xây dựng nên tỉnh không thể dời được.
Khi thấy nông dân đốt đồng (đốt rơm sau khi thu hoạch lúa), chú lấy làm tiếc… và chú nói sao không tìm cách tận dụng rơm để làm ra sản phẩm tăng thêm thu nhập cho nông dân? Rồi phong trào dùng rơm để ủ nấm vừa tiêu thụ nội địa, vừa cung ứng cho xuất khẩu ra đời. Hiện Vĩnh Long có 2 nhà máy chế biến, xuất khẩu nấm rơm. Tuy nhiên, có lẽ việc trồng nấm rơm của tỉnh vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng. Cùng với nấm rơm là cây dừa. Ý chú muốn khuyến khích người dân trồng dừa, vì đây là cây lâu năm, có giá trị sử dụng từ gốc đến ngọn. Chú rất tâm đắc việc Bến Tre đầu tư cho cây dừa. Chú đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh sang Bến Tre tìm hiểu, rút kinh nghiệm… để phát triển cây dừa ở Vĩnh Long. Vài tháng sau, chú về Vĩnh Long và hỏi thăm xem kế hoạch phát triển cây dừa thế nào? Khi đó, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh báo cáo những khó khăn nên không làm được. Lần ấy, tôi thấy chú không vui lắm.
Cả cuộc đời chú đã cống hiến cho Đảng và Nhân dân, trong đó có những điều chú hướng dẫn, thực hiện cho quê hương Vĩnh Long và cả những điều chú chỉ bảo với riêng tôi như một người chú thân tình. Chú là nhà lãnh đạo tài năng mà bình dị, gần gũi, một vị Thủ tướng kiệt xuất mà nặng tình sâu đậm với gia đình… Tất cả đã bừng sống trong tôi nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú với tấm lòng trân trọng và tri ân.