Nhớ ngày 30-4, nhớ đêm đầu tiên tiếp xúc người Sài Gòn

(ĐTTCO) - Cuộc chiến đã trôi qua 48 năm. Bây giờ mỗi khi quay lại Sài Gòn, tôi không khỏi cảm xúc nhớ lại những tháng ngày oanh liệt ấy. Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, đã mở rộng lớn hơn nhiều thành phố cũ rất nhiều lần.
Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

Con đường từ Củ Chi vào Sài Gòn khi ấy 2 bên toàn ruộng là ruộng, ngày nay là phố nối phố, nhiều nhà cao tầng chi chít mọc lên, làm tôi không thể nhận ra những dấu mốc mà đoàn quân chúng tôi đã tiến qua.

Nhưng dù vậy, những ngày đầu tiên ở Sài Gòn năm 1975 với tôi có lẽ chẳng bao giờ quên được. Cũng như chả thể nào quên, 2 tuần sau tôi nhận được thư của cha tôi dặn đi tìm ông bác ruột, và tôi đã tìm thấy gia đình bác ruột, chấm dứt sự phân cách gia đình máu mủ trên một đất nước phân ly gần nửa thế kỷ.

Thực ra khi ai cũng biết trận đánh vào Sài Gòn là trận cuối cùng nên tâm tư khá lo âu. Là sĩ quan lại là Đảng viên tôi không biểu hiện gì bên ngoài, không lo âu nhưng trong đêm đôi khi chợt nghĩ, liệu mình có qua trận này không?

Đêm đến, tôi và anh em chiến sĩ càng khao khát được sống sót qua chiến dịch này, nên càng nhớ nhà hơn. Nhiều câu chuyện chưa bao giờ được kể đã được anh em đồng đội kể cho nhau nghe trong các căn hầm chữ A đào vội. Họ kể cả những khuyết điểm ở quê nhà. Có lẽ ai cũng tự hiểu rằng, đây là trận chiến khốc liệt nhất, và tất cả đều xác định mình có thể hy sinh trong trận đánh này, dù ai cũng muốn sống.

Đêm ngày 29-4, cả đội trinh sát hơn 30 người lên một chiếc xe Jin157 bò qua các mặt ruộng đã thu hoạch hết còn trơ các gốc rạ, tiến vào Sài Gòn. Trinh sát và du kích địa phương Củ Chi dùng bẹ chuối cắm các cọc tiêu qua ruộng, để hướng đoàn quân lên đường lớn. Khoảng 5 giờ sáng, trời vẫn còn tối, chúng tôi bò ven cứ điểm Đồng Dù. Nhìn vào căn cứ Đồng Dù đạn nhằng nhịt bắn đỏ cả bầu trời.

Tôi thoáng nghĩ, đại đội tôi đang cùng Sư 320 đánh ở đó, đồng đội tôi bây giờ ra sao? Trời hửng cũng là lúc xe tăng và xe chúng tôi bò lên đường nhựa tiến vào Sài Gòn. Cả đoàn quân dài nối đuôi nhau thẳng tiến…

Tiến vào Sài Gòn trên xe, Sài Gòn rõ là rộng lớn hơn Hà Nội của tôi. Đường trong thành phố rộng thoáng. Nhiều nhà cao tầng, trang trí khá đẹp. Dân chúng cũng không tỏ ra quá sợ sệt bộ đội quân giải phóng, tạo cho tôi một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Ngay chiều 30-4, dân chúng cũng đã tràn ra mặt đường. Xuất hiện rất nhiều tốp thanh niên, sinh viên học sinh, nam thì sơ mi bỏ trong quần, nữ mặc áo dài trắng mang bánh mỳ và nước uống cho anh em binh sĩ chúng tôi.

Bao năm trời không được nhìn thấy phụ nữ lại là thiếu nữ Sài Gòn nên tôi rất xúc động. Anh em đồng đội quanh tôi đón lấy bánh mỳ, còn tôi không cầm bánh mỳ mà nắm luôn cổ tay một em gái và bảo: “Em gái Sài Gòn ơi anh là trai Hà Nội đây”. Thế là các bạn trẻ thanh niên và nữ sinh viên quây lấy tôi để tha hồ hỏi han về Hà Nội.

Đêm 30-4, Tham mưu trưởng Nguyễn Tạo lệnh cho anh em quay ngược ra ngã tư Bảy Hiền, nghỉ đêm trên một xóm ven đường. Tôi còn nhớ có một bà má cứ kéo tay tôi đi vào một ngôi nhà, chắc ban ngày là tiệm bán thuốc. Bà năn nỉ buộc tôi phải nhận một vài bao thuốc. Vào một ngôi nhà nghỉ tạm, tôi thấy nhiều bóng lấp ló e ngại.

Trong khi sắp xếp chỗ nghỉ tôi cao hứng đọc mấy câu thơ tiền chiến, lập tức những bóng thấp thoáng chạy ra và bảo: “Sao quân giải phóng lại biết những câu thơ ấy?”. Thì ra họ là sinh viên học sinh Sài Gòn chạy từ trung tâm Sài Gòn ra nhà bà con của họ ở xóm này. Thế là có một buổi hội ngộ. Chúng tôi hát mấy bài của Trịnh Công Sơn như Nối vòng tay lớn, Diễm Xưa… Mấy bài tôi hát học lén từ ngày trên rừng Tây nguyên.

Đấy là một đêm đầu tiên tôi tiếp xúc với người Sài Gòn. Không hề có tắm máu, trả thù của Việt Cộng. Chỉ có hòa bình và sự thống nhất một dân tộc Việt Nam.

Các tin khác