Nhọc nhằn đòi quyền lợi (K2): Bánh vẽ Thien Park

Cách đây 2 tháng, chính quyền TP Đà Nẵng đã có quyết định thu hồi một phần dự án Khu đô thị Thien Park (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) của Công ty Tân Cường Thành do ông Trương Vỹ Kiến làm Tổng giám đốc (đã bị bắt giam) không chịu nộp 92 tỷ đồng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất. Hàng trăm khách hàng đã đặt cọc mua đất tại đây choáng váng.

Cách đây 2 tháng, chính quyền TP Đà Nẵng đã có quyết định thu hồi một phần dự án Khu đô thị Thien Park (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) của Công ty Tân Cường Thành do ông Trương Vỹ Kiến làm Tổng giám đốc (đã bị bắt giam) không chịu nộp 92 tỷ đồng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất. Hàng trăm khách hàng đã đặt cọc mua đất tại đây choáng váng.

Nội-ngoại đều dính

Ngoài Khu đô thị Thien Park, Tân Cường Thành còn là chủ đầu tư dự án khu phức hợp dịch vụ chung cư, đất ở tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Nhiều người dân mua đất tại dự án này cũng đang đứng trước nguy cơ mất tài sản sau khi đã nộp 70-90% giá trị các lô đất cho Tân Cường Thành.

Trên tuyến đường bộ dẫn vào hầm Hải Vân có một khu đất như một cánh đồng hoang với đầy cỏ dại và lau lách. Đó chính là mặt bằng dự án Khu đô thị Thien Park. Trên mô hình thiết kế tráng lệ do Công ty WATG (Hoa Kỳ) được Tân Cường Thành thuê vẽ, nơi đó sẽ là khu đô thị có 283 căn biệt thự, 1.311 lô đất nền cùng với 4 khu nhà chung cư dành cho người thu nhập thấp và các trung tâm dịch vụ tiện ích phục vụ cộng đồng dân cư với những đường ngang dọc cây xanh mát mắt và công viên giải trí. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, được Tân Cường Thành đem ra chào bán từ năm 2011.

Không chỉ người dân, cả doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể dính líu vào dự án khu đô thị lùm xùm này. Bởi sau khi được khởi công xây dựng, CTCP Dây cáp điện Tân Cường Thành và Công ty C.F.S Company Limited (Nhật Bản) đã tổ chức buổi lễ ký kết hợp tác đầu tư xây dựng dự án này. Theo đó, Tân Cường Thành sẽ cho Công ty C.F.S. thuê đất tại Khu đô thị Thien Park với thời hạn 70 năm và 2 bên sẽ cùng hợp tác để đầu tư xây dựng Thien Park trở thành khu du lịch, dịch vụ, thương mại và nghỉ dưỡng; hướng đến phục vụ cho các cư dân, chuyên gia và người nước ngoài làm việc tại Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng.

“Chúng tôi muốn xây dựng tại Thien Park một khu phố Nhật như đã từng có tại Hội An nhiều thế kỷ trước. Đây sẽ là khu phố tiêu biểu của Nhật Bản, cung cấp các trung tâm mua sắm xinh đẹp ngang tầm Tokyo, Harajuku, Omotasando. Tại đây cũng sẽ xây dựng khu Villa Sinh thái với không gian sống vô cùng thoải mái” - ông Koichiro Kimura, đại diện C.F.S Company, khi đó nhấn mạnh.

Cũng tại buổi ký kết đó, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương hoan nghênh việc liên doanh hợp tác giữa Công ty Tân Cường Thành và phía đối tác Nhật Bản, xem đây là biểu tượng của quan hệ hợp tác Đà Nẵng-Nhật Bản. Qua đó, yêu cầu nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ, tuân thủ các quy định về quy hoạch chung cũng như các quy định về bảo vệ môi trường như đã cam kết với lãnh đạo TP. Tuy nhiên, chỉ đạo và kỳ vọng đó có thể đã bay theo bong bóng xà phòng.

Ưu đãi hay khuất tất?

Năm 2011, Tân Cường Thành đã dùng 11ha (trong tổng diện tích 80ha) thuộc dự án khu công nghiệp, dịch vụ thương mại và sản phẩm công nghệ cao để vay Agribank Hải Châu 114 tỷ đồng. Điều đáng nói, giá trị 1m2 đất tại đây được TP Đà Nẵng chuyển nhượng cho nhà đầu tư chỉ 180.000 đồng, tức 11ha đất trên có giá trị chuyển nhượng chưa đến 20 tỷ đồng.

Nhưng theo xác nhận của một lãnh đạo Agribank Hải Châu, tổng trị giá của khu đất 11ha được thẩm định là 152 tỷ đồng, và Agribank Hải Châu đã quyết định cho vay 75% trên giá trị đã được thẩm định. “Hiện giá trị khu đất 11ha này đã được Agribank Hải Châu bán lại cho VAMC, và chúng tôi đang theo dõi tình hình sau khi có thông tin TP Đà Nẵng quyết định thu hồi khu đất không cho chuyển đổi mục đích sử dụng” - vị lãnh đạo này cho biết.

Mặt bằng khu đô thị Thien Park nay vẫn là nơi thả bò của người dân. Ảnh: HÀ MINH

Mặt bằng khu đô thị Thien Park nay vẫn là nơi thả bò của người dân. Ảnh: HÀ MINH

Về phía Tân Cường Thành, để giải quyết hậu quả do ông Trương Vỹ Kiến để lại, ngày 20-9 vừa qua, ông Võ Việt Bằng (người tự xưng là Tổng giám đốc mới của Tân Cường Thành) xuất hiện tại Đà Nẵng để đối thoại với khách hàng nhằm giải quyết khủng hoảng.

Bức xúc của dân là bị công ty “giam” sổ đỏ nhiều năm nay mà không có bất kỳ phản hồi nào, thậm chí nhiều lần dân tụ tập, bao vây trước cổng công ty (số 97 đường Hoàng Văn Thái, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) khiếu nại, nhưng chỉ đối mặt với bảo vệ. Ông Bằng cho biết vì mới lên tiếp quản vị trí tổng giám đốc nên không thể giải quyết nhanh hậu quả của người tiền nhiệm. Công ty xin thêm thời gian để khắc phục.

Theo đó, lộ trình giải quyết được ông Bằng thông báo đến khách hàng là trong tháng 9 và 10-2014 sẽ trả sổ đỏ các lô đất B2-16; 22, B2-17; 10, B2-16 và 9. Từ tháng 10 trở đi, mỗi tháng sẽ trả sổ đỏ từ 3-5 lô, sau đó tăng dần và đảm bảo sẽ trả hết. Tuy nhiên, số đông khách hàng đòi hỏi phải trả theo thứ tự, ai mua đất trước phải được ưu tiên trả trước, không được trả ngẫu nhiên. Một số người lo sổ đỏ của mình bị công ty thế chấp trong các ngân hàng để vay vốn, liệu có bị ngân hàng xiết đất, nhà...

Ông Bằng cũng thông tin, ngoài khu dân cư Liên Chiểu, Tân Cường Thành kêu gọi thêm nhiều cổ đông để hình thành công ty con với tên CTCP Tân Hải Doanh với vốn điều lệ 150 tỷ đồng để trở thành nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp, tiếp tục đầu tư dự án Thien Park tại quận Liên Chiểu với diện tích 129,9ha.

(Còn tiếp)

Các tin khác