Nhọc nhằn xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

(ĐTTCO) - Hiện nay, với sự tiến bộ của công tác quản lý, nhiều thủ tục có thể được thực hiện nhanh chóng qua hình thức trực tuyến, trong đó giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là một ví dụ. Tuy nhiên, không phải ở đâu và khi nào việc xin cấp loại giấy này cũng dễ dàng.

Người dân làm thủ tục hành chính tại một phường ở TPHCM. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Người dân làm thủ tục hành chính tại một phường ở TPHCM. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Người dân bị “hành”

 Tháng 11-2021, bà N.T.P.T. (hộ khẩu thường trú tại phường 8, quận 4, TPHCM) đến UBND phường 8 xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (viết tắt là GXN) để bổ sung hồ sơ giấy tờ mua bán đất. Tại đây, bà T. được cán bộ phụ trách hướng dẫn về nơi thường trú trước khi chuyển hộ khẩu lên TPHCM để xin GXN tính đến thời điểm chuyển khẩu.

“Cán bộ phường nói khi nào có xác nhận ở quê thì phường mới cấp giấy chứng nhận độc thân cho tôi được”, bà T. kể. Lúc đó đang là cao điểm dịch Covid-19, đi lại rất khó khăn, bà đề nghị phường lấy dữ liệu từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhưng cán bộ phường cho biết chưa có sự liên thông giữa các địa phương nên không thể tra cứu được.

Khi xin được từ địa phương thường trú cũ giấy xác nhận độc thân từ thời điểm ly hôn (vào năm 2010) đến thời điểm chuyển khẩu đến TPHCM (vào tháng 12-2016), bà T. đem nộp thì cán bộ UBND phường 8, quận 4 yêu cầu… xin lại giấy xác nhận, vì các nội dung ghi trong giấy chưa chính xác.

Cụ thể, trong giấy ghi: từ ngày ly hôn vào năm 2010 đến ngày 6-12-2016, bà T. chưa đăng ký kết hôn với ai. Theo cán bộ phường 8, nội dung ghi như vậy là chưa đúng. Giấy phải ghi rõ: Bà N.T.P.T. có đăng ký kết hôn nhưng đã ly hôn theo quyết định số…, ngày… của TAND nơi cư trú; không đăng ký kết hôn với ai từ ngày ly hôn đến thời điểm chuyển khẩu lên TPHCM.

“Chỉ vì lời ghi không khớp nhau giữa 2 cơ quan hành chính của 2 tỉnh, thành mà tôi bị yêu cầu quay về quê để xin tờ giấy xác nhận khác với nội dung ghi đúng như sự hướng dẫn của cán bộ tại phường 8, quận 4, TPHCM”, bà T. bức xúc.

Không chỉ bà T., nhiều người cũng khổ sở vì tờ GXN. Ông T.H.P. (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cứ 6 tháng lại phải đi xin tờ giấy chứng nhận độc thân để thực hiện các giao dịch mua bán đất vì giấy cũ hết hiệu lực.

Ông P. thắc mắc: “Tôi không hiểu sao thông tin của mỗi cá nhân đã có trên hệ thống dữ liệu quốc gia, nhưng cơ quan hành chính lại bắt người dân đi xin loại giấy này. Nhiều người còn phải quay về nơi đăng ký thường trú trước đây ở các tỉnh, thành để xin giấy xác nhận độc thân. Điều này tôi thấy quá bất tiện”.

Chính quyền có trách nhiệm xác minh

 Giải thích của người phụ trách công tác tư pháp - hộ tịch phường 8, quận 4 về việc chưa khai thác được cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là đúng. Hiện nay, mới chỉ một số địa phương thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch để đưa vào kho dữ liệu dùng chung quốc gia. TPHCM là địa phương đi đầu, thực hiện trong suốt hai năm qua mới có thể hoàn thành vào ngày 31-12-2021.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, với hơn mười triệu bộ hồ sơ, công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử ở TPHCM rất vất vả, phải đầu tư nhiều nguồn lực. Đến nay, nhờ xây dựng xong cơ sở dữ liệu này nên việc tra cứu, trích lục giấy tờ hộ tịch giữa các địa phương trên địa bàn TPHCM đã thuận lợi, dễ dàng hơn trước. Chẳng hạn, một người đăng ký khai sinh ở quận 5 có thể xin trích lục tại quận 1. Tuy nhiên, nếu người dân thực hiện thủ tục liên quan ở tỉnh, thành khác thì phải phụ thuộc vào độ phủ dữ liệu hộ tịch của các địa phương này.

Như vậy, việc chưa thể tra cứu và cần xác minh thông tin về tình trạng hôn nhân như bà T. nói trên là đúng. Song, câu chuyện đặt ra ở đây là trách nhiệm xác minh thuộc về ai? Cổng dịch vụ công quốc gia hướng dẫn: trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau thì người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Nếu như công dân không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi công dân đó từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.

Sau khi nhận được văn bản đề nghị, UBND cấp xã được yêu cầu sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về tình trạng hôn nhân trong thời gian thường trú tại địa phương của công dân. Nếu kết quả xác minh cho thấy đủ điều kiện thì UBND cấp xã nơi công dân yêu cầu sẽ cấp giấy xác nhận. Hoặc sau 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời, thì cho phép công dân làm văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình.

Ghi nhận câu chuyện này, một lãnh đạo Sở Tư pháp TPHCM chia sẻ thêm, đôi khi nếu xác minh theo quy trình sẽ kéo dài thời gian. Do vậy, cán bộ có thể đề nghị người dân nếu như có người thân ở quê thì nhờ xác minh giùm. Việc này tùy thuộc vào tình hình thực tế để giải quyết cho hợp lý.

Bản điện tử giấy tờ hộ tịch thay thế bản giấy

Đây là nội dung trong Thông tư 1/2022 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Thông tư có hiệu lực từ ngày 18-2. Theo Thông tư 1/2022, bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị sử dụng như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch có thể kiểm tra thông tin qua mã QR trên bản điện tử của giấy tờ đó.

Để có được bản điện tử này, người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký theo hướng dẫn.

Các tin khác