Nhóm cổ phiếu chip rực đỏ; Dầu tăng do ảnh hưởng bão Francine

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tăng điểm vào thứ Hai (16/09), khi nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách rất được mong đợi của Fed, trong đó ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020. Giá dầu tăng hơn 1%, khi ảnh hưởng liên tục của cơn bão Francine đến sản lượng dầu tại vùng Vịnh Mexico của Mỹ đã lấn át những lo ngại dai dẳng về nhu cầu của Trung Quốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Nhóm cổ phiếu chip rực đỏ; Dầu tăng do ảnh hưởng bão Francine

Dow Jones lập kỷ lục trước thềm cuộc họp của Fed

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 nhích 0.13% lên 5,633.09 điểm. Chỉ số Dow Jones bật tăng 228.30 điểm, tương đương 0.55%, lên 41,622.08 điểm, ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite mất 0.52% còn 17,592.13 điểm.

Cổ phiếu Apple bốc hơi 2.8% sau khi các chuyên gia phân tích tại các tổ chức, bao gồm Bank of America và JPMorgan, lưu ý rằng thời gian giao hàng có thể cho thấy nhu cầu iPhone 16 Pro thấp hơn so với năm trước.

Các cổ phiếu con chip như Nvidia, vốn dẫn đầu đà phục hồi của thị trường vào tuần trước, ghi nhận sắc đỏ khi nhà đầu tư giảm bớt các khoản cược của họ. Cổ phiếu Nvidia sụt gần 2%. Cổ phiếu Broadcom và KLA Corporation đều giảm 2%, còn cổ phiếu Marvell Technology lùi 1.5%.

S&P 500 chỉ còn thấp hơn gần 1% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 7 và có thể lập kỷ lục mới trong tuần này. Sau khỏi đầu khó khăn cho tháng 9, cả 3 chỉ số chính đều đã tăng trong tuần trước, với S&P 500 và Nasdaq Composite vừa khép lại tuần tăng tốt nhất trong năm 2024.

Fed dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 17 - 18/09, đồng thời, được kỳ vọng rộng rãi sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chu kỳ nâng lãi suất vào tháng 3/2022. Việc hạ lãi suất trong tuần này sẽ là một động thái quan trọng, vì nhiều nhà đầu tư đã hy vọng quyết định này có thể giảm chi phí vay cho các công ty và cải thiện tăng trưởng lợi nhuận chung.

Lãi suất cho vay qua đêm hiện ở mức 5.25% - 5.5%. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện dự báo xác suất 63% ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất 0.5%.

Lĩnh vực tài chính và năng lượng đều tăng hơn 1% vào thứ Hai, vượt trội so với thị trường chung, trong khi lĩnh vực công nghệ thông tin giảm gần 1%, trở thành lĩnh vực giảm mạnh nhất trong phiên.

Theo các chuyên gia phân tích, nhiều nhà đầu tư đang “chốt lời” từ đà leo dốc của các cổ phiếu công nghệ lớn trong năm qua, đặc biệt là các cổ phiếu chất bán dẫn.

Dầu tăng hơn 1%

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 92 xu, tương đương 1.28%, lên 72.53 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu WTI cộng 1.12 USD, tương đương 1.63%, lên 69.77 USD/thùng.

Gần 20% sản lượng dầu thô và 28% sản lượng khí đốt tại Vịnh Mexico vẫn chưa được khai thác sau cơn bão Francine.

Matt Smith, Trưởng bộ phận phân tích dầu tại Kpler, cho rằng: “Chúng ta vẫn còn những hậu quả của cơn bão. Tác động này chủ yếu đến sản xuất hơn là lọc dầu. Do đó, giá dầu có xu hướng tăng giá một chút.”

Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường vẫn thận trọng trước quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 18/09.

Theo công cụ CME FedWatch, thị trường ngày càng kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất 0.5% hơn là 0.25%.

Lãi suất thấp hơn thường làm giảm chi phí vay, qua đó có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nâng cao nhu cầu dầu.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Kelvin Wong của Oanda cho biết việc lãi suất giảm 0.5% cũng có thể báo hiệu sự yếu kém trong nền kinh tế Mỹ, điều này có thể làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu.

Dữ liệu kinh tế suy yếu của Trung Quốc vào cuối tuần qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, với triển vọng tăng trưởng thấp hơn trong thời gian dài hơn ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới củng cố thêm nghi ngờ về nhu cầu dầu.

Cụ thể, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng vào tháng 8, trong khi doanh số bán lẻ và giá nhà ở mới tiếp tục giảm.

Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc cũng giảm tháng thứ 5 do nhu cầu nhiên liệu yếu và biên lợi nhuận xuất khẩu hạn chế sản lượng.

Các tin khác