Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép... đều đi xuống đã tác động không nhỏ tới tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước trong 9 tháng vừa qua.
Chính vì vậy, các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tạo lực đẩy mạnh mẽ hơn cho xuất khẩu, từ đó đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhiều nhóm hàng chủ lực còn khó khăn
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, xuất khẩu thu về khoảng 259,67 tỷ USD, mức giảm lên tới 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các ngành hàng, xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến chậm hồi phục đã tác động tới tăng trưởng chung của toàn ngành. Theo đó, sau 9 tháng, nhóm này ước đạt 220,28 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ.
“Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng chủ lực như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,7%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 13,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 10,6%; hàng dệt may giảm 12,1%; giày dép giảm 18,2%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 21,3%...,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Tương tự, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 3,05 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này, theo đánh giá của Bộ Công Thương, tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu đã tác động trực tiếp đến việc xuất khẩu của Việt Nam.
Điều này thể hiện rõ rết ở các thị trường chủ lực của Việt Nam, như châu Á giảm 3,6%; châu Âu giảm 6,8%; thị trường châu Mỹ giảm 15,8%; thị trường châu Đại Dương giảm 3,9%.
Dù vậy, trong 9 tháng vừa qua, xuất khẩu nông, thủy sản lại là điểm sáng khi đạt mức tăng 3,1%, đem về khoảng 23,87 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng rất cao, như: Rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (3,16 tỷ USD); gạo đạt kim ngạch xuất khẩu 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (3,45 tỷ USD); điều ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 14,3%, càphê đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết nối các doanh nghiệp vào hệ thống phân phối nước ngoài. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Ông Ywert Visser, thành viên Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản Eurocham, cho hay nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực năm 2020. Nhìn một cách tổng quát, những số liệu xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường lớn thuộc Liên minh châu Âu cho thấy sự yêu thích của người tiêu dùng EU đối với mặt hàng này.
“Sự thành công có thể được xác định không chỉ thông qua số lượng sản phẩm đưa vào thị trường mà còn thông qua mức độ các sản phẩm này có thể đáp ứng với các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường,” chuyên gia này nói.
Tập trung khơi thông thị trường
Cũng trong 9 tháng vừa qua, cả nước đã chi khoảng 237,99 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu sản xuất vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, chẳng hạn như: Điện thoại và linh kiện (giảm 62,2%); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (giảm 11,1%); nguyên phụ liệu dệt may, da giày, giảm 13,4%…
“Nguyên nhân một phần là do giá nguyên liệu hạ nhiệt và việc thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên xuất siêu trong 9 tháng năm 2023 là 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD.)
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023, theo đánh giá, cơ hội và thách thức đan xen. Chính vì vậy, để đạt được kim ngạch cao nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung mạnh vào việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA.
Cùng với đó, đơn vị này cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…; tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại cũng được Bộ Công Thương đẩy mạnh nhằm tận dụng các cơ hội thị trường. Tiêu biểu là cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đối tác “Tuần hàng Việt Nam 2023 tại Pháp” với sự tham dự của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, mây tre đan và dệt may… Trong sự kiện, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đồng thời được kết nối trực tiếp với các bộ phận thu mua của cả hệ thống phân phối bản địa và cả hệ thống phân phối hàng châu Á tại Pháp.
Chế biến Thanh Long phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đây là một sự kiện không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn là sự kiện mở đường để hệ thống phân phối của Pháp phát triển phân khúc thị trường dành cho người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm châu Á.
"Chúng ta sẽ dần dần từng bước khẳng định vị thế của mình tại các tập đoàn và hệ thống siêu thị này đồng thời tiếp tục mở rộng. Chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đồng hành, trước hết là bằng chất lượng hàng hóa của chính doanh nghiệp mình cũng như phải tuân thủ quy định ngặt nghèo để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý.