Nhựa gia dụng: Nội bao sân?

Với những nỗ lực giành lại thị trường, đến nay nhựa gia dụng Việt Nam đã chiếm khoảng 90% thị trường nội địa. Song, riêng trong mảng nhựa gia dụng cao cấp vẫn còn nhiều lỗ hổng cần phải “lấp đầy”.

Với những nỗ lực giành lại thị trường, đến nay nhựa gia dụng Việt Nam đã chiếm khoảng 90% thị trường nội địa. Song, riêng trong mảng nhựa gia dụng cao cấp vẫn còn nhiều lỗ hổng cần phải “lấp đầy”.

Chuộng “made in Vietnam”

Dạo quanh vài con đường bán đồ nội thất gia dụng tại TPHCM như Ngô Gia Tự (quận 10) hay Hậu Giang (quận 6) để hỏi mua tủ quần áo nhựa, anh Nguyễn Hữu Hòa được hầu hết các chủ cửa hàng giới thiệu dòng tủ nhựa “made in Vietnam” như sản phẩm của Đại Đồng Tiến, Duy Tân… có mẫu mã khá đẹp và giá thành cũng phù hợp.

Rất hiếm ai nhắc đến tủ nhựa của Trung Quốc. Thực ra, không chỉ riêng sản phẩm tủ nhựa mà rất nhiều mặt hàng nhựa gia dụng khác như ghế, thùng nhựa, rổ nhựa… của các DN trong nước sản xuất hiện rất được thị trường tin dùng. Khảo sát nhanh tại hệ thống các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart có thể thấy hàng nhựa gia dụng Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế rất lớn trên thị trường.

Nhìn lại khoảng thời gian hơn 5 năm trước, các sản phẩm nhựa gia dụng trên thị trường Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc lan rộng do những lo ngại về chất lượng không đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng đã bắt đầu chuyển qua dùng sản phẩm Việt Nam.

Nắm lấy cơ hội này, hầu hết các DN đều đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển để tung ra những dòng sản phẩm đẹp, chất lượng và giá thành hợp lý. Ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến, từng chia sẻ: “Vào thời điểm năm 2008, tôi đã cho thành lập phòng R&D (nghiên cứu và phát triển), bộ phận mà trước nay Đại Đồng Tiến chưa bao giờ nghĩ tới. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành nhà sáng tạo thông minh chứ không đơn thuần là một nhà sản xuất giỏi”.

Chính từ nỗ lực của những nhà sản xuất trong nước, cho đến nay hàng nhựa gia dụng Việt Nam đã chiếm khoảng 90% thị phần nội địa. Lợi thế của hàng Việt Nam chính là giá thành rẻ hơn hàng nhập ngoại 20-30%, từ đó góp phần đẩy lùi hàng Thái Lan, Indonesia nhập khẩu.

Tất nhiên, để có được thành quả này, không ít DN trong ngành đã rất tích cực tham gia các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ DN, nhận xét: “Nhựa Duy Tân là 1 trong 4 DN được đánh giá cao vì sự đồng hành xuyên suốt cùng 100 phiên chợ đưa hàng về nông thôn”.

Đuối phân khúc cao cấp

Mặc dù chiếm ưu thị trên thị trường nội, nhưng riêng trong phân khúc cao cấp DN trong nước vẫn còn đuối so với một cái tên ngoại là Lock&Lock. Cũng chính xu hướng sử dụng các sản phẩm an toàn cho sức khỏe đã khiến Lock&Lock tạo nên một cơn sốt tại thị trường Việt Nam. Mới đây, nhãn hàng này đã khai trương cửa hàng thứ 20 tại trung tâm thương mại Vincom Mega Mall-Royal City (Hà Nội).

Đến nay, Lock&Lock đã đầu tư 3 nhà máy tại Việt Nam là nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, tỉnh Đồng Nai; nhà máy sản xuất sản phẩm thủy tinh và nhà máy sản xuất sản phẩm nồi, chảo tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nếu nhìn vào ngành nhựa gia dụng, ngách mà thương hiệu này đang đi tưởng như chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn. Thế nhưng với tốc độ phát triển và phủ sóng thị trường của thương hiệu này, có lẽ sẽ khiến không ít DN nội phải giật mình.

Sản phẩm nhựa Đại Đồng Tiến tại triễn lãm.

Sản phẩm nhựa Đại Đồng Tiến tại triễn lãm. 

Trở lại câu chuyện của Đại Đồng Tiến, ngay sau khi cho ra đời phòng R&D, công ty này đã tung ra dòng sản phẩm hộp đựng thực phẩm kháng khuẩn Sina. Tuy nhiên, chính ông Cường cũng phải thừa nhận Sina là một sản phẩm hợp thời nhưng chưa thực sự thành công, một phần do nó được tung ra vào thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Tương tự Đại Đồng Tiến, Tân Lập Thành cũng cho ra đời sản phẩm hộp đựng thực phẩm cao cấp Happi Look nhưng cũng chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Thậm chí, có một số người tiêu dùng còn nhận định sản phẩm Happi Lock của Tân Lập Thành ban đầu khiến họ nhầm lẫn với Lock&Lock từ cái tên cho đến mẫu mã.

Giám đốc một DN trong ngành nhựa chia sẻ: “Nếu tính khoảng thời điểm Lock&Lock vào Việt Nam, nhãn hiệu này cũng không thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Song vấn đề nằm ở chỗ có thể các DN nội đã đánh giá chưa đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhìn vào cục diện hiện tại, thật khó để DN trong nước đuổi kịp nhãn hiệu này”.

Tất nhiên, một phần lý do để Lock&Lock nhanh chóng tăng độ phủ là vì tiềm lực tài chính mạnh, một điểm nổi trội hơn hẳn các DN trong nước. Song đó cũng chính là động lực để các DN nội đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu phát triển để rút ngắn khoảng cách với các đối thủ ngoại. \

Các tin khác