Đã đến lúc cần có những biện pháp xử lý mạnh tay để không còn cảnh những cá nhân, doanh nghiệp trục lợi trên uy tín thương hiệu của bệnh viện, bác sĩ nhằm lừa đảo người dân.
Đủ trò giả mạo
Có nhu cầu nâng cấp vòng 1 và biết đến danh tiếng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lâu, chị P.T.H. (32 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) tìm thông tin trên mạng xã hội. Bất ngờ, chị H. tìm được nhiều thông tin liên quan với các trang khác nhau như: Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn, Thẩm mỹ Chợ Rẫy, “Khoa Phẫu Thuật Tạo Hình - BV Cho Ray”…
Kết nối với trang “Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Bệnh viện Chợ Rẫy”, chị H. được giới thiệu các dịch vụ thẩm mỹ vùng ngực với giá cả ưu đãi kèm với lời cam đoan do các bác sĩ đầu ngành thực hiện. Tuy nhiên, địa chỉ mà trang thông tin này hiển thị lại ở 792 đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TPHCM. Nghi ngờ, chị H. hỏi một người bạn đang sinh sống tại TPHCM và biết được đây không phải địa chỉ của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thử kết nối với một trang khác có tên “Khoa Phẫu Thuật Tạo Hình - BV Cho Ray”, chị H. tiếp tục được “dụ” đến một phòng khám trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM. “Nếu như không cẩn thận hỏi thông tin từ bạn bè thì tôi không biết được đâu là cơ sở của Bệnh viện Chợ Rẫy thật, đâu là cơ sở giả mạo”, chị H. chia sẻ.
Một trường hợp khác, do mắc hội chứng rối loạn cương dương nên anh P.M.N. (35 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) tìm kiếm thông tin bác sĩ, nơi điều trị trên mạng xã hội. Trong một lần tìm kiếm, anh tìm thấy trang “Bác sĩ Nam khoa - Bệnh viện Bình Dân”. Từng biết Bệnh viện Bình Dân TPHCM nổi tiếng với chuyên khoa Nam học nên anh N. kết nối và được một người xưng là “bác sĩ Trang”, công tác tại Bệnh viện Bình Dân tư vấn tận tình.
Biết anh N. ngại đến nơi đông người, bác sĩ Trang khuyên anh nên đến phòng khám riêng của mình để được thăm khám với cam kết “giá theo dịch vụ nhà nước”. Sau khi đến địa chỉ theo hướng dẫn của bác sĩ Trang, anh N. mới tá hỏa vì đây là Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu, không phải là phòng khám của bác sĩ khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân. Nhận thấy có dấu hiệu không rõ ràng, anh N. từ chối khám.
Giả mạo thương hiệu, đặt tên giống với tên các bệnh viện lớn đã trở thành “chiêu” hút khách hàng của một số cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ trong những năm gần đây. Mới đây nhất, Bệnh viện Quân y 175 đã cảnh báo về tình trạng một số trang cá nhân và phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng thương hiệu Bệnh viện 175 như “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo và thu hút bệnh nhân.
“Việc mạo danh, giả mạo thương hiệu Bệnh viện Quân y 175 để trục lợi cá nhân, lừa đảo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện”, Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị, Bệnh viện Quân y 175, cho biết.
Phải có biện pháp mạnh tay
Là một trong những bác sĩ bị giả mạo tên tuổi thường xuyên để rao bán các loại thuốc, thực phẩm chức năng, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, chuyên môn của ông về nhiễm nhi nhưng hình ảnh bị cắt ghép vô tội vạ để bán các loại thuốc trị tiểu đường, thuốc trị cơ xương khớp, giãn tĩnh mạch và cả thuốc tăng sinh lý nam giới.
Dù đã nhiều lần lên tiếng khẳng định trên trang cá nhân không quảng cáo cho bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào nhưng ông vẫn rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi bị người bệnh “mắng vốn”. “Một người nhắn cho tôi bảo là vì tin tôi nên đã mua 8 lọ thuốc trị tiểu đường do tôi quảng cáo nhưng sau khi uống thì đường huyết tăng gấp đôi so với trước. Người này mắng tôi là lừa đảo, không có đạo đức. Tôi đã đính chính nhiều lần nhưng vẫn có người bệnh bị lừa”, bác sĩ Trương Hữu Khanh giãi bày và cho biết, nếu trước đây kẻ gian chủ yếu cắt ghép hình ảnh ông để gắn thông tin quảng cáo thì nay dùng chiêu thức tinh vi hơn bằng cách thiết kế một bài viết giống như bài phỏng vấn trên báo chính thống, ghép hình ảnh và quảng cáo thuốc… khiến người bệnh dễ dàng mắc bẫy hơn.
Theo các chuyên gia, việc mạo danh bệnh viện và các bác sĩ nổi tiếng để lại những hậu quả nghiêm trọng. Với người dân, do tin tưởng thương hiệu bệnh viện và uy tín bác sĩ nên tìm đến những nơi giả mạo. Có người dù mất tiền nhưng bệnh không khỏi mà còn nặng thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Còn với bệnh viện và bác sĩ bị giả mạo thì bị sụt giảm uy tín nghiêm trọng.
TS-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, cho biết, dù đơn vị đã đăng ký bảo hộ thương hiệu từ lâu nhưng vẫn là nạn nhân của chiêu mạo danh trên mạng. “Dễ bị mắc bẫy lừa giả mạo nhất là những người bệnh từ các tỉnh thành lên TPHCM thăm khám tại các bệnh viện tuyến cuối nhưng lại bị lừa đến một cơ sở khác. Điều này vừa ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh trong khi uy tín xây dựng trong suốt hàng chục năm của bệnh viện và bác sĩ bị tổn hại”, TS-BS Mai Bá Tiến Dũng bày tỏ.
Để chấm dứt tình trạng mạo danh bệnh viện, bác sĩ nhằm trục lợi, các chuyên gia cho rằng những cơ sở y tế, bác sĩ bị giả mạo lên tiếng cảnh báo thôi là chưa đủ mà rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và người dân. Trước khi lựa chọn một cơ sở khám chữa bệnh hay cơ sở thẩm mỹ, người dân có thể kiểm tra tính hợp pháp của các cơ sở này thông qua cổng tra cứu của ngành y tế.
Ngoài ra, có thể gọi đến đường dây nóng của bệnh viện để phản ánh hoặc xác minh thông tin. Tại TPHCM, người dân có thể truy cập cổng tra cứu hoạt động khám chữa bệnh tại địa chỉ: thongtin.medinet.org.vn để kiểm tra. Với thực phẩm chức năng, người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.