Nhức nhối thất thoát, lãng phí

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong năm 2011 đã phát hiện 145 dự án có thất thoát vốn. Điển hình là các địa phương: Hà Giang 10 dự án, Bắc Giang 59 dự án, Thanh Hóa 23 dự án, Quảng Ngãi 22 dự án...

Báo cáo được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố tuần qua về kết quả kiểm toán năm 2011, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông nhức nhối về thực trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng ngân sách hiện nay.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong năm 2011 đã phát hiện 145 dự án có thất thoát vốn. Điển hình là các địa phương: Hà Giang 10 dự án, Bắc Giang 59 dự án, Thanh Hóa 23 dự án, Quảng Ngãi 22 dự án...

Một số đơn vị quản lý tài sản thiếu chặt chẽ để xảy ra các sai phạm, như: mua sắm tài sản không đúng quy định của Luật Đấu thầu (Phú Yên; Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên - Môi trường); sử dụng không đúng mục đích, đối tượng (Tổng cục Hải quan); nhiều đơn vị mua sắm tài sản chưa đúng tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP (Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Ninh, Quảng Ninh, Phú Yên, Đắk Nông)...

Điều đáng lo ngại hiện nay là việc chi sai trong sử dụng kinh phí chế độ, tiêu chuẩn, định mức tại các bộ, ngành có chiều hướng gia tăng. KTNN đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 9,7 tỷ đồng tại 14 bộ, ngành được kiểm toán (năm 2010 số chi sai chế độ phải thu hồi của 20 bộ, ngành được kiểm toán là 4,1 tỷ đồng); 21/28 địa phương được kiểm toán còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.840 tỷ đồng, trong đó 3 địa phương sử dụng sai nội dung nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên 9 tháng cuối năm; 16/28 tỉnh, thành chi hỗ trợ trên 41 tỷ đồng không đúng chế độ, nhiệm vụ chi; 28/28 địa phương được kiểm toán chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức 196 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngân sách còn thể hiện ở cho vay sai quy định. Theo KTNN, cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi, có xu hướng tăng và xảy ra hầu hết các tỉnh, thành được kiểm toán.

Tại 27/28 tỉnh được kiểm toán cho vay, tạm ứng sai quy định; cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi 4.166 tỷ đồng. Trong đó cho vay sai quy định 33 tỷ đồng; tạm ứng sai quy định 1.125 tỷ đồng; cho vay, tạm ứng chậm thu hồi 3.008 tỷ đồng. Trong khi đó hàng năm ngân sách vẫn phải đi vay và trả lãi.

Sự thiếu rõ ràng trong thu, chi ngân sách còn có vấn đề tại các cơ quan cao nhất về lập pháp và hành pháp. Theo báo cáo kiểm toán niên độ ngân sách năm 2011, KTNN đã kiến nghị tăng thu ngân sách với Văn phòng Quốc hội hơn 488 triệu đồng, với Văn phòng Chính phủ hơn 1 tỷ đồng; giảm chi thường xuyên với Văn phòng Chính phủ hơn 1 tỷ đồng (trong đó giảm quyết toán các khoản đề nghị không đúng thủ tục gần 450 triệu đồng), với Văn phòng Quốc hội 948 triệu đồng.

Trong kiến nghị về xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm, KTNN đã đề nghị 80 cơ quan xử lý trách nhiệm cá nhân sai phạm với các lĩnh vực thuộc sự quản lý của bộ, ngành, địa phương đến doanh nghiệp.

Câu chuyện trách nhiệm trong quản lý, điều hành thời gian qua còn hé lộ những điều nhức nhối. Đó là hiệu quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng còn rất hạn chế, dù đã có luật riêng và đã có hiệu lực từ 6-7 năm nay.

Và thực tế, việc chi tiêu sai quy định, lãng phí, thất thoát cho ngân sách không phải đến báo cáo kiểm toán lần này mới được nhắc đến, mà đã được đề cập thường xuyên mỗi lần KTNN công bố các kết quả kiểm toán hàng năm.

Thế nhưng, căn bệnh được xác định là nguy hại hơn tham nhũng vẫn diễn ra làm thất thoát, hao tổn nguồn lực phát triển.

Đến nỗi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên: “Bao nhiêu công trình lãng phí lộ ra đấy mà chẳng thấy ai bị xử lý, nhìn thấy đấy mà không có ai chịu trách nhiệm”. Hay như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Đúng là lâu nay chúng ta chưa xử lý được thật. Thanh tra, kiểm toán phát hiện đều kiến nghị nhưng chưa xử lý được trường hợp nào".

Xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị được coi là vấn đề cốt lõi trong việc ngăn chặn lãng phí cũng như trách nhiệm khi xảy ra lãng phí. Và sẽ là lãng phí lớn về thời gian, tiền bạc nếu những hồi chuông nhức nhối về thực trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng ngân sách cứ tiếp tục gióng lên, để rồi lại rơi vào hư không.

Các tin khác