Nhức nhối vi phạm bản quyền phần mềm

Sử dụng phần mềm lậu không chỉ xuất hiện ở những người sử dụng máy tính cá nhân mà nhiều DN ở Việt Nam cũng “ứng dụng” để hạn chế chi phí và gần như đã trở thành một thói quen.

Thói quen này bắt nguồn từ việc các DN Việt Nam thường nhập máy tính không có dữ liệu về và các công ty bán lẻ sao chép các bản quyền phần mềm của Microsoft và nhiều phần mềm phổ biến khác để cài vào hệ thống máy tính.

Mới đây, thị trường xôn xao về tin công ty bán lẻ máy tính Sáng Tạo bị Microsoft kiện lên Tòa án Tối cao TPHCM vì liên tục vi phạm bản quyền, tải phần mềm lậu vào máy tính xách tay cho khách hàng cho dù đã nhận được nhiều thư cảnh báo về hành vi vi phạm này.

Gần đây, Đoàn Thanh tra liên ngành về bản quyền phần mềm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Công an cũng đã tiến hành kiểm tra tại CTCP Rossano Việt Nam phát hiện hệ thống 31 máy tính của công ty này vi phạm bản quyền phần mềm khi sử dụng chương trình AutoCAD, LacViet MTD 2002, Acrobat, Corel Draw, Window XP và Window Office lậu và đã buộc công ty gỡ bỏ toàn bộ những phần mềm này để sử dụng phần mềm hợp pháp.

Theo đại diện đoàn thanh tra, từ đầu năm đến nay đã kiểm tra và xử phạt hàng chục công ty vi phạm tương tự, ngoài việc xử lý theo vi phạm hành chính, các DN vi phạm bản quyền phần mềm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam khoảng 83%. Các DN sử dụng phần mềm lậu không chỉ đối mặt với các hình thức xử phạt trong nước mà mới đây Hoa Kỳ đã ban hành Điều luật Cạnh tranh không lành mạnh với quy định nếu như chủ sở hữu phần mềm phát hiện và đưa ra những bằng chứng về việc DN Việt Nam vi phạm bản quyền phần mềm lậu sẽ có quyền kiện lên tòa án Hoa Kỳ.

Nếu trong 90 ngày, DN không chứng minh được nguồn gốc phần mềm đang sử dụng, DN có nguy cơ bị cấm xuất khẩu vào thị trường này. Một số bang ở Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu áp dụng Đạo luật Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin đối với DN xuất khẩu hàng hóa như dệt may, da giày.

Theo đó, muốn xuất khẩu hàng vào Hoa Kỳ, DN nước ngoài phải gửi thư cam kết không vi phạm bản quyền phần mềm trong các hoạt động sản xuất, phân phối, quảng bá, bán hàng. Nếu phát hiện có trường hợp vi phạm, DN Hoa Kỳ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Thực tế, các công ty sử dụng phần mềm lậu luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ từ phía pháp luật mà khi hoạt động, máy tính sử dụng phần mềm lậu sẽ không thể cập nhật kịp thời các bản vá lỗi hay các chương trình nâng cấp nên dễ dàng bị virus phá hủy dữ liệu hay hacker tấn công, đánh cắp thông tin kinh doanh quan trọng gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Chính vì vậy, sử dụng phần mềm có bản quyền trước hết là bảo vệ chính mình, kế đến là bảo vệ nền sản xuất, uy tín kinh doanh của đất nước. Vì thế ngay từ bây giờ, các DN vi phạm cần có cái nhìn đúng đắn hơn để vừa bảo vệ chính bản thân DN tránh được những rắc rối ngoài ý muốn vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế chung.

Các tin khác