Ngày 20-7, khi đi làm về tôi thấy ngay đầu con hẻm cách nhà chừng 200 mét có chốt kiểm soát. Vậy là khu vực nhà tôi cuối cùng cũng bị phong tỏa, sau nhiều ngày bà con nhắc nhau cẩn thận. Từ hôm đó, mọi việc mua bán, chuyển hàng, tiếp tế… đều được thực hiện ở chốt, với quy trình khá nghiêm ngặt.
Khi tôi báo với cơ quan phải làm việc ở nhà do khu vực bắt đầu cách ly y tế, nhiều đồng nghiệp đã điện thoại chia sẻ. Một đồng nghiệp, cũng là bạn thân thiết, khi đó tình nguyện sang Mặt trận Tổ quốc TP thực hiện công tác hỗ trợ phòng chống dịch, nhờ giấy phép đi lại đã tiếp tế cho tôi mớ trái cây, thịt, cá khô…
Trong số đó, có túi cam sành rất tươi. Bình thường, tôi không chuộng cam sành lắm, nhưng khi ấy vắt lấy nước uống tôi thấy đặc biệt ngon. Nhớ có lần đọc status của người bạn nói lấy hạt cam có thể ươm trong các chậu nhỏ để làm kiểng, tôi cũng làm thử. Tận dụng các chậu sành, chậu nhựa lâu nay cất trong kho, tôi ươm vài chậu. Sau một tuần, những chồi non dần nhú, mọc lên những chiếc lá nhỏ xíu, xanh rì, thiệt dễ thương.
Ngày 12-8, khu nhà tôi được dỡ phong tỏa. Hôm sau, sau mấy ngày biểu hiện sức khỏe không ổn, tôi đưa bà xã ra trạm y tế xét nghiệm và rụng rời khi kết quả dương tính. Chiều đó trời đổ mưa, vợ tôi lặng lẽ chuẩn bị đồ đi cách ly, cả nhà buồn rười rượi. Con gái lớn nói: “Con định làm món gỏi mà chưa kịp học công thức của mẹ”. Cả nhà thực hiện cách ly, bữa cơm mỗi người một góc, hạn chế nói chuyện và gặp mặt trực tiếp.
Hai ngày sau, khi con gái lớn có dấu hiệu, chúng tôi ra trạm y tế xét nghiệm thì con tiếp tục dương tính. Lúc này tôi cố tỏ ra bình tĩnh nhưng trong lòng đã thấy hoang mang, không biết rồi ai sẽ tiếp theo, gia đình sắp tới sẽ ra sao… Cùng ngày, một người hàng xóm đã lặng lẽ ra đi chỉ sau hai ngày có dấu hiệu F0.
Khi con gái vào bệnh viện dã chiến, gia đình thật vắng lặng và buồn bã. Những ngày này, tôi làm việc trực tuyến, có khi đến gần nửa đêm; khi ngơi chút điện thoại cho vợ và con gái xem tình hình thế nào; lúc khác nghe điện thoại từ bệnh viện gọi về nhắc phải ăn uống, xông người, súc họng, xịt mũi, pha nước cam…
Những căng thẳng tưởng dần cũng qua, ngày 29 đến lượt con gái nhỏ dương tính. Ngày hôm sau bà xã và con gái lớn được xuất viện. Lo con gái nhỏ không tự chăm sóc được, vợ tôi xin trạm trưởng y tế cho đi cách ly cùng. Như vậy, vừa về đến nhà vợ tôi lại quày quả đi cách ly. Lúc mẹ con leo lên chiếc xe tải trong buổi tối chập choạng, ướt át, tôi như thấy mọi thứ nhòe đi.
Suốt trong thời gian này, TP bước vào đợt cao điểm chống dịch với sự hỗ trợ của nhiều lực lượng trong cả nước, đặc biệt là lực lượng quân đội. Cùng với việc phủ vaccine, tình hình dần được ổn định. Việc mua nhu yếu phẩm cũng được dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Trong khi đó, gia đình tôi cũng được nhiều lần tiếp tế từ khu phố, từ một số người quen thân. Đến ngày 16-9, con gái nhỏ được xuất viện. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Hôm đó, tôi viết một status cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người trong thời gian khó khăn. Có một cộng tác viên, vốn chưa từng quen biết, khi đọc status của tôi đã tìm đến nhà để gửi một thùng bánh và trái cây, trong đó có cam nữa. Lần này tôi để dành tất cả các hạt và gieo thêm vào nhiều chậu khác.
Đến tháng 10, khi TP bước vào trạng thái bình thường mới, những cây cam tôi trồng đã lên chồi xanh, mấy chậu đầu tiên đã ra nhiều lá. Những chiếc lá cam xanh thẫm, hơi cứng, khá mướt thoang thoảng mùi hương dễ chịu. Cây cam trồng trong nhà thiếu nắng nhưng vẫn tươi tốt, trong chậu ít đất nhưng luôn có thêm chồi mới.
Tôi thoáng nghĩ, phải chăng đó là sự thích nghi của cây cam trong điều kiện bất đắc dĩ như vậy? Phải chăng điều đó cũng biểu thị sức chịu đựng và khả năng vươn lên của con người trong hoàn cảnh dịch bệnh khắc nghiệt? Dù biết những cây cam không thể ra trái và ít lâu cũng sẽ chết, nhưng rõ ràng nó đã từng có sức sống mãnh liệt, đáng để con người học tập.
Tôi từng đọc truyện “Cây cam ngọt của tôi” của nhà văn mang hai dòng máu Ấn Độ và Brazil José Mauro de Vasconcelos (1920-1984), được hai dịch giả Nguyễn Bích Lan và Tô Yến Ly chuyển ngữ. Tự dưng tôi cũng thấy những cây cam ở nhà tôi rất ngọt, dù nó mãi mãi không ra trái. Cam ngọt là phải rồi (khổ tận cam lai), mà cam này được trồng từ hạt giống của những tình cảm chân thành, ấm áp, đậm nghĩa đồng bào trong đại dịch. Tôi chỉ là một trong những hàng triệu người dân của TP này được đồng bào cả nước động viên, giúp đỡ, đồng hành… đã thấy ngọt, vậy với bao nhiêu người khác, điều ngọt ngào ấy hẳn nhân lên triệu lần.
Trong suốt 160 ngày đã oằn mình đương đầu với dịch bệnh, dù có những mất mát, đau thương TP vẫn lấp lánh những bao dung, nhân ái, điều được đúc kết là “TP nghĩa tình”. Dịch đã đi qua giai đoạn khắc nghiệt, khó khăn vẫn còn, nhưng dù thế nào nhất định chúng ta sẽ vượt qua nó, chiến thắng nó bằng các giải pháp khoa học và sự yêu thương, chia sẻ. Những cây cam không chỉ ngọt từ trái mà ngọt cả từ lá từ cành và cả từ màu xanh đầy hy vọng của nó nữa.