Khởi đầu ấn tượng
Tháng 11-2001, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành Quyết định 647/QĐVPCP về việc thành lập PVD, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Năm 2005, thực hiện chỉ đạo của PVN về việc đẩy mạnh công tác đổi mới, phát triển doanh nghiệp theo phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, PVD được chuyển đổi sang hình thức CTCP, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Năm 2006, PVD khánh thành giàn khoan biển tự nâng đa năng đầu tiên do người Việt sở hữu 100% và giàn khoan đất liền. Năm 2008, PVD sáp nhập CTCP Đầu tư khoan dầu khí Việt Nam (PVD Invest), nâng tổng tài sản lên trên 12.000 tỷ đồng, vốn điều lệ lên đến 2.105 tỷ đồng. Ngoài ra, PVD còn thành lập liên doanh PVD - Expro và PVD Tubulars Management, thực thi chiến lược liên doanh với các đối tác nước ngoài để tăng cường sức mạnh cạnh tranh và phát triển dịch vụ.
PVD là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu, khi đảm nhiệm tất cả dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của PVN và bản thân doanh nghiệp này còn hoạt động trên trường quốc tế.
PVD là nhà thầu khoan sở hữu đội ngũ giàn khoan hiện đại mang tầm cỡ khu vực với 4 giàn khoan biển tự nâng thế hệ mới, 1 giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) và 1 giàn đất liền. Đặc biệt, chỉ 1 năm sau khi hoạt động dưới mô hình CTCP, tháng 12-2006, PVD chính thức niêm yết CP trên HOSE với giá chốt phiên chào sàn đạt 130.000 đồng/CP.
Đỉnh của PVD được xác lập trong phiên giao dịch 3-2-2007 là 295.000 đồng/CP. Đáng chú ý, từ khi niêm yết đến giai đoạn 2014, PVD liên tục tăng trưởng về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Đỉnh điểm là năm 2014, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt được những con số ấn tượng, cao nhất trong lịch sử với 20.884 tỷ đồng và 2.539 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2014 cũng góp phần đẩy PVD lên đỉnh hơn 80.000 đồng/CP (đã điều chỉnh do phát hành thêm CP).
Biến cố giá dầu
Từ năm 2015 giá dầu giảm kéo theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dần đi xuống. Thực tế, 2015 là năm khó khăn của thị trường dầu khí với giá dầu giảm trên 60%, xuống mức dưới 40USD/thùng. Thị trường dịch vụ khoan dầu khí cũng chịu ảnh hưởng mạnh khi các nhà thầu dừng, giãn chương trình khoan.
Giá cho thuê giàn khoan và các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan giảm sút, cũng như cạnh tranh ngày càng gay gắt khi số lượng giàn không có việc tăng lên. Tại khu vực Đông Nam Á, hiệu suất sử dụng giàn khoan giảm từ 94% (năm 2014) xuống còn khoảng 69%. Tại Việt Nam, số lượng giàn khoan hoạt động bình quân giảm từ 17 giàn xuống chỉ còn 7 giàn.
Với PVD, 3/5 giàn khoan của doanh nghiệp chịu cảnh “thất nghiệp” trong năm 2015. Bên cạnh đó giá dầu giảm mạnh cũng khiến giá thuê giàn khoan và các dịch vụ liên quan đến khoan giảm 15-25%. Với tình trạng này, doanh thu và lợi nhuận năm 2015 của PVD sụt giảm lần lượt 30,8% và 31,2%. Sự sa sút về hiệu quả kinh doanh đã đẩy PVD lần đầu tiên rơi xuống dưới mốc 2.0. Thậm chí, PVD rơi xuống chỉ còn 15.000 đồng/CP, sau thông tin nguyên Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Khạnh bị khởi tố do liên quan đến đại án Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Những năm gần đây, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của PVD đã có dấu hiệu khởi sắc, biến cố giá dầu lại là nỗi ám ảnh với các cổ đông. Điển hình là năm 2019 lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng (tăng 2,5%) và hoàn thành mỹ mãn kế hoạch không để lỗ. Năm 2019, thị trường dầu khí thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, giá dầu Brent vào đầu năm đạt trên ngưỡng 65USD/thùng.
Thế nhưng, biến cố giá dầu một lần nữa đẩy PVD lao dốc kinh hoàng. Kể từ phiên giao dịch ngày 9-3, sau thông tin giá dầu giảm hơn 30%, xuống chỉ còn hơn 30USD/thùng, PVD liên tục sụt giảm và lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch 14 năm, mã CP này rơi xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Tương lai khó định
Thực tế, nếu không có cú sốc giá dầu mới đây, hoạt động kinh doanh năm 2020 của PVD cũng bị đặt dấu hỏi bởi chiến lược đầu tư bỏ trứng vào 1 rổ. Theo CTCK Vietcombank (VCBS), 2020 có thể là năm khả quan cho PVD trong hoạt động kinh doanh nhờ các hợp đồng đã ký từ 6 tháng đầu năm 2019, cùng với đó nhu cầu giàn khoan tăng cao tại thị trường Malaysia.
Hoạt động kinh doanh của PVD hiện tại phụ thuộc nhiều vào thị trường Malaysia, trong khi số lượng công việc trong nước khá thấp. Tuy nhiên, tính ổn định của thị trường dầu khí Malaysia cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Chính phủ Malaysia đã từng áp đặt các rào cản đầu tư nước ngoài vào thị trường dầu khí nội địa, kể từ sau cuộc đại khủng hoảng giá dầu hồi 2015. Do tình hình khó khăn chung của ngành dầu khí tại thời điểm đó, việc Chính phủ Malaysia đưa ra các chính sách để bảo vệ các tập đoàn dầu khí trong nước hoàn toàn có thể hiểu được.
Hiện tại, hầu hết dự án dầu khí lớn tại thị trường Malaysia tạm hoãn từ 2015 đã bắt đầu được tái khởi động trong năm 2019, nhờ vào diễn biến giá dầu thuận lợi trong 2017-2018. Dự án có được triển khai hay không phụ thuộc nhiều vào giá dầu trung bình trong năm so với mức giá hòa vốn tại từng mỏ.
Do đó, khi giá dầu trung bình năm 2018 vượt qua mức 65USD/thùng, là điều kiện thích hợp để các dự án được triển khai đồng loạt, dẫn đến các nhu cầu khoan và dịch vụ khoan cũng tăng mạnh trở lại. Thế nhưng, trong trường hợp giá dầu sụt giảm mạnh, sẽ làm các dự án khai thác tại Malaysia của PVD sẽ tạm dừng trở lại. Dự báo giá dầu thô xuống thấp có thể làm chậm lại hoạt động thăm dò và khai thác của PVD, dẫn đến đà phục hồi chậm của giá thuê ngày giàn khoan.
PVD là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu, khi đảm nhiệm tất cả dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của PVN và bản thân doanh nghiệp này còn hoạt động trên trường quốc tế. |