Những điểm mới về tiền gửi có kỳ hạn

(ĐTTCO)  Trong dự thảo Thông tư Quy định về tiền gửi có kỳ hạn của NHNN sắp ban hành, có quy định về tiền gửi chung có kỳ hạn (tiền gửi có kỳ hạn thuộc sở hữu chung của từ 2 khách hàng trở lên). Tuy nhiên, người cư trú với người không cư trú không được gửi tiền chung có kỳ hạn, tổ chức và cá nhân không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn bằng ngoại tệ.
Những điểm mới về tiền gửi có kỳ hạn
1. Từ tháng 7-2017, NHNN đã lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đối với 2 thông tư quy định về tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn. Nhưng đến cuối tháng 12-2018, cơ quan này mới họp với đại diện các TCTD để trao đổi trước khi ban hành chính thức. 2 dự thảo thông tư gửi đến các đại biểu dự họp có nhiều điểm đã chỉnh sửa so với 2 dự thảo đã công bố trong năm 2017.
 Cho đến nay, hoạt động tiết kiệm NH vẫn thực hiện theo các quy chế đã được ban hành từ năm 2004. Điều này cho thấy khung khổ pháp lý chưa được thay đổi để phù hợp với thực tiễn hoạt động NH trong suốt 15 năm để phù hợp với các quy định của pháp luật, đặc biệt quy định về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử…
Theo dự thảo thông tư, công dân Việt Nam được gửi tiền tiết kiệm bằng VNĐ; người cư trú là công dân Việt Nam thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ và được phép rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi. Dù NHNN vẫn quy định mức lãi suất trong từng thời kỳ và phương pháp tính lãi, nhưng phương pháp trả lãi tiền gửi tiết kiệm, được thực hiện theo thỏa thuận giữa TCTD và người gửi tiền.
Việc nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm nơi cấp thẻ tiết kiệm hoặc tất cả các điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của TCTD.
Thí dụ, khách hàng A. gửi tiết kiệm tại TPHCM, nhưng có thể rút tại Hà Nội.
Điểm mới của dự thảo thông tư lần này là có hẳn Điều 18 quy định về thực hiện gửi, rút tiền tiết kiệm bằng phương tiện điện tử, thông qua tài khoản thanh toán của người gửi tiền. Liên quan đến rút tiền gửi trước hạn, dự thảo thông tư quy định khách hàng được rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn theo thỏa thuận giữa TCTD với khách hàng; lãi suất áp dụng đối với tiền gửi tiết kiệm rút trước hạn phù hợp với quy định của NHNN.

2. Từ trước đến nay, hoạt động nhận tiền gửi có kỳ hạn bằng VNĐ/ngoại tệ của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài chưa có văn bản pháp lý làm cơ sở. Lần đầu tiên, NHNN mới có dự thảo về thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi có kỳ hạn tại TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.
Mục đích của NHNN là đảm bảo lợi ích hợp pháp của pháp nhân, cá nhân có nhu cầu gửi tiền có kỳ hạn khi có nguồn tiền nhàn rỗi hoặc thu nhập hợp pháp. Đối với tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ, dự thảo thông tư được xây dựng nhằm tạo cơ chế quản lý phù hợp, để hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ.
Về đối tượng gửi tiền có kỳ hạn, dự thảo thông tư quy định 2 nhóm đối tượng bao gồm: Người cư trú là pháp nhân Việt Nam, cá nhân được gửi tiền có kỳ hạn bằng đồng Việt Nam, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ. Người không cư trú là pháp nhân nước ngoài, cá nhân (được phép cư trú với thời hạn 6 tháng trở lên) có hiện diện tại Việt Nam được gửi tiền có kỳ hạn bằng đồng Việt Nam, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ. Theo NHNN, quy định nêu trên nhằm đảm bảo hạn chế các dòng vốn nóng, đầu cơ trên thị trường tiền tệ, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng là người không cư trú có hiện diện tại Việt Nam.

3. Dự thảo thông tư có quy định về thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn bằng phương tiện điện tử, thông qua tài khoản thanh toán của người gửi tiền. Điểm mới về tiền gửi có kỳ hạn là quy định về tiền gửi chung có kỳ hạn, là tiền gửi có kỳ hạn thuộc sở hữu chung của từ 2 khách hàng trở lên.
Tuy nhiên, người cư trú với người không cư trú không được gửi tiền chung có kỳ hạn. Tổ chức và cá nhân không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn bằng ngoại tệ. Khách hàng chỉ được gửi và nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản của chính khách hàng đó.
Vấn đề các TCTD tiếp tục kiến nghị là quy định về rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm và chi trả trước hạn tiền gửi có kỳ hạn. Đó là việc NHNN yêu cầu lãi suất áp dụng với 2 trường hợp này phải thực hiện theo quy định tại Thông tư 04/2011/TT-NHNN, như sau: “TCTD áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD theo từng đồng tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn; mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn này là thấp nhất tại thời điểm tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn”.
Theo NHNN, quy định này nhằm góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động NH, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch về lãi suất cho vay của TCTD và chi phí vay vốn của khách hàng vay; TCTD tiết giảm chi phí kinh doanh, áp dụng lãi suất cho vay ở mức hợp lý phù hợp. Tuy nhiên, một số TCTD cho rằng việc áp dụng lãi suất này khiến khách hàng bị thiệt, đặc biệt những khách hàng chỉ rút trước một phần tiền gửi do có nhu cầu chi tiêu đột xuất, và TCTD có thể mất khách hàng.

Các tin khác