Dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng, khu vực ông Ba làm tổ trưởng có nhiều ca nhiễm, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng ông vẫn không nề hà. Cả ông và bà đều lớn tuổi, con trai ở cùng nhà cũng thất nghiệp, tất cả đều thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ nhưng trong danh sách, ông không bao giờ đưa tên vào.
“Ba tôi không bao giờ đưa gia đình vào danh sách để nhận hỗ trợ dù mọi người nằm trong nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ, vì ý ba là nhà mình không đến nỗi nào, nhường cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”, chị Đặng Thùy Khánh Vân (con gái ông Đặng Quốc Tuấn, tức ông Ba, tổ trưởng tổ dân phố 54) kể.
Hôm rằm tháng 7 (âm lịch), kết nối với các nhà hảo tâm tài trợ gạo, ông Ba nhận phân phát đến từng gia đình trong đó có những gia đình là F0. Rồi ông không may mắc Covid-19 và đã lây nhiễm cho bà, cả hai ông bà cùng vào viện. Ban đầu cả gia đình rất lo lắng cho bà, bởi cả năm nay bà phải điều trị bệnh ung thư máu.
“Ba tôi kiên cường lắm, ông cố gắng chăm sóc mẹ tôi vì chỉ số virus của ông nhẹ hơn bà, ông hướng dẫn bà vận động, tập thở, nhắc bà ráng ăn uống. Những ngày mới vào viện, ông bận rộn lắm, nào điện thoại, nào zalo chụp chụp chuyển chuyển các danh sách có đầy đủ họ tên của người lao động tự do, những hộ gia đình đang gặp khó khăn ở tổ dân phố để bàn giao cho khu phố kịp thời trình phường xem xét giải quyết chi hỗ trợ đợt 1, đợt 2” chị Vân kể lại.
Mọi công việc ở nhà dần dần ổn, người dân được nhận hỗ trợ. Trong bệnh viện, mẹ chị Vân kiên cường chiến thắng bệnh tật, bà xuất viện sau 15 ngày điều trị, nhưng còn ông vẫn ở lại... Chị Vân kể tiếp: “Mỗi ngày, chị em tôi thay nhau gọi cho ba. Lúc đầu, ba tôi cũng còn nghe máy, dặn con cái gửi mấy đồ thiết yếu, rồi đồ ăn, cả nhà động viên ba ráng ăn cho mau lại sức, tập thở”.
Những cuộc gọi cứ nặng nề dần, khi bệnh của ông chuyển nặng, bác sĩ điều trị báo về gia đình cơ thể ông đã kháng các loại kháng sinh và tiên lượng xấu. “Rồi một đêm, bác sĩ gọi báo ba tôi đã chiến đấu kiên cường 40 ngày với Covid-19 nhưng không thể cứu được, ông đã ra đi”, chị Vân nghẹn ngào.
Sau 30 năm lập nghiệp ở TPHCM, gia đình ông Ba tổ tưởng có 23 thành viên con, cháu, dâu, rể… “Ba tôi ra đi nhưng ông mãi là niềm tin, là chỗ dựa dẫn dắt chúng tôi tiếp tục sống có ích cho xã hội”, chị Vân tâm niệm.
2. Trong không gian trưng bày của Hội Nhiếp ảnh TPHCM sáng ngày 9-10, diễn ra lễ trao giải và triển lãm ảnh Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực TPHCM lần 11, mọi thứ diễn ra hạn chế, ai nấy đều khẩu trang và 5K nghiêm ngặt, nhưng mọi người vẫn nhận ra một chàng trai với băng tang trên ngực áo. Anh có 2 ảnh được chọn triển lãm, còn giải thưởng huy chương bạc là anh nhận thay cho bố mình - bác Nguyễn Sinh Thành (hội viên Hội Nhiếp ảnh TPHCM).
Đứng trước bộ ảnh đoạt huy chương bạc của bố, đôi mắt anh nỗi buồn hiện rõ: “Giá mà không có Covid-19 thì hôm nay tôi đã đứng đây cùng bố và chung vui với mọi người”. Sau thời gian điều trị Covid-19, chiều 4-9, gia đình nhận tin từ bệnh viện báo về ông đã qua đời. “Cách đây vài tháng khi có kết quả cuộc thi, bố tôi được huy chương bạc, tôi được 2 ảnh triển lãm, cả nhà vui lắm. Mọi người cùng nhau lên kế hoạch sau khi nhận giải, bố phải khao cả nhà đi ăn nhà hàng thật hoành tráng”, anh Minh Trung kể.
Cũng như anh Trung, chị Vân, một niềm vui không trọn vẹn với gia đình chị Ngọc Oanh (đường Nguyễn Biểu, quận 5). Gia đình không may mắc Covid-19, chồng và con gái chị khỏi bệnh trước, đến lượt chị cũng khỏe mạnh về nhà sau hơn 20 ngày điều trị, chỉ còn ba chồng chị, được chuyển sang Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19… “Ba chồng tôi 81 tuổi rồi, nên ông đâu có đem theo điện thoại, mỗi ngày gia đình chỉ ngóng tin từ bệnh viện báo về để theo dõi tình hình sức khỏe của ba từ xa”, chị Oanh kể.
Những cuộc gọi báo tin từ bệnh viện nhiều hơn, sức khỏe ba chồng chị xấu đi và gia đình chuẩn bị tâm lý sẵn. Chị nói: “Nghe bệnh viện báo về nhưng tôi không tin được là ba ra đi nhanh như vậy. Ở nhà ba tôi chỉ hay bị cao huyết áp chứ không có bệnh nền gì”.
Nhận tro cốt của ông, gia đình chị gửi vào chùa ở gần nhà, mọi kỷ vật của ông còn lại, chị và chồng gói ghém gọn gàng, để trang trọng ở một góc nhà. “Giờ thì ba tôi về cạnh má, tro cốt hai ông bà đều gửi ở chùa. Cũng buồn vì ba mất lúc dịch bệnh không có con cháu bên cạnh nhưng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nhà mình, những gia đình mất đi nhiều người thân, họ đau đớn biết dường nào”, anh Hậu (chồng chị Oanh) chia sẻ.
3. Câu chuyện của chị Vân, anh Trung hay gia đình anh Hậu - chị Oanh, có lẽ chỉ là một góc nhỏ trong những mất mát của nhiều gia đình ở TPHCM thời gian qua. May mắn đưa mẹ chị Vân hay gia đình chị Oanh trở về nhà, còn người thân của họ không như vậy. Mất mát nào cũng đau lòng người ở lại, mất mát giữa đại dịch buộc chúng ta không thể cận kề người thân trong những giờ phút cuối.
Có trải qua mất mát ấy, mới mong có một ngày để tưởng nhớ đồng bào tử vong vì dịch bệnh, như một lời nhắc nhở chúng ta sống bao dung và yêu thương nhau nhiều hơn, trân trọng phút giây của hiện tại...