Biển cánh báo đường ngập và nguy hiểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn - Đất Mũi
Ít tiền nên cắt làn dừng khẩn cấp!
Hiện trạng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận rộng 17m, 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp ở hai bên mà mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp, mỗi điểm cách nhau 4-5km. Đây cũng là nguyên nhân, khi đưa vào vận hành trong dịp Tết Nguyên đán, mặc dù vận tốc cho phép khai thác 80km/giờ nhưng vẫn bị ùn tắc khi xảy ra sự cố. Mùng 3 tết, một xe chở rau củ bị nổ lốp lật ngửa, dù các cơ quan chức năng đã có mặt kịp thời xử lý, nhưng vẫn gây ra tắc đường gần 3 tiếng đồng hồ.
Cũng trong ngày mùng 3 tết, phát hiện một ô tô bị chết máy, cảnh sát giao thông có mặt kịp thời hỗ trợ, ngay sau đó, trên trang web của Cục Cảnh sát giao thông đã đăng tin khuyến cáo: “Do đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hẹp, khi ô tô lưu thông nếu gặp sự cố, tài xế nên cố gắng cho xe tấp sát ta luy và tìm vật đặt cảnh báo cho các phương tiện khác để đảm bảo an toàn. Khi đường bị ùn tắc, các phương tiện không được chen nhau để đậu thành 3 hàng gây cản trở giao thông. Khi đó, xe CSGT, xe cứu hộ, xe cứu thương không thể di chuyển đến hiện trường vụ tai nạn để giải phóng phương tiện”.
Vì sao gọi là “đường cao tốc” nhưng lại bị bóp nhỏ, thua quốc lộ 1A? Theo Bộ GTVT, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được xây dựng theo đúng thiết kế của bộ tại Quyết định số 5019 ngày 31-12-2014 về hướng dẫn thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn 1 đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc. Thiết kế bố trí cách quãng các đoạn dừng xe khẩn cấp ở cả hai bên theo chiều xe chạy, khoảng cách 6-10 phút chạy xe có điểm dừng khẩn cấp. Tại chỗ dừng có thể đỗ được cùng lúc 2 xe tải.
Đại diện Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) giải thích thêm, chủ trương của Chính phủ là ưu tiên đầu tư chiều dài để sớm nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam chứ chưa ưu tiên đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh. Điều này cũng tương tự với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, tổng chiều dài 1.729km, phần lớn trong 11 dự án thành phần có quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17m. Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư theo phương án trên với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng. Còn nếu đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m là cơ bản phù hợp với nhu cầu vận tải nhưng tổng mức đầu tư khoảng 192.000 tỷ đồng, rất khó khăn cân đối ngân sách. Trường hợp cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng vậy, nếu xây dựng làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến ngay ở giai đoạn 1, sẽ tăng thêm 5.000-6.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư hiện nay.
Trao đổi với PV Báo SGGP, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức nói, các tuyến cao tốc nằm trong mạng đường bộ cao tốc đều được quy hoạch với quy mô 4-6 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 80-120km/giờ. Thậm chí, một số tuyến đường cao tốc hướng tâm, kết nối các khu đô thị, trung tâm kinh tế lớn quy hoạch với quy mô 8-10 làn xe. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đầu tư giai đoạn 1 chưa hoàn chỉnh nên chưa có làn dừng khẩn cấp. Để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong khi nguồn ngân sách còn eo hẹp, nên phải thực hiện phân kỳ đầu tư.
Cắt tuyến cao tốc Cà Mau đi Đất Mũi
Trong khi người dân chưa hết thắc mắc vì sao đường cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thì tỉnh Cà Mau rơi vào trạng thái tâm lý khác. Mừng là dự tính cuối năm nay Bộ GTVT sẽ khởi công xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhưng thấy “tủi thân” bởi vì từ TP Cà Mau đi về Đất Mũi, điểm tận cùng Tổ quốc không có đường cao tốc!
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau Hồ Hoàn Tất cho biết, với quy hoạch hiện tại của Bộ GTVT, đường cao tốc chỉ đến TP Cà Mau. Từ TP Cà Mau về Đất Mũi dài khoảng 120km không làm đường cao tốc. Bộ GTVT giải thích, bộ đã lập đồng thời 5 quy hoạch ngành thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, phát huy tối đa vai trò, lợi thế của các phương thức vận tải nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics. Do nhu cầu vận tải thấp nên hành lang TP Cà Mau đến Đất Mũi chủ yếu quy hoạch các tuyến đường bộ, tuyến đường thủy nội địa có quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ GTVT cũng cho rằng, qua khảo sát cho thấy lưu lượng xe đoạn Năm Căn - Đất Mũi chưa vượt quá năng lực thiết kế hiện trạng; đồng thời trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo quy hoạch được duyệt, tuyến quốc lộ 1 có quy mô đến 4 làn xe và tuyến đường bộ ven biển với quy mô tối thiểu 2 làn xe, sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai. Vì vậy, chưa cần thiết quy hoạch tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của địa phương lại khác. Tỉnh Cà Mau đề xuất đầu tư tuyến cao tốc đến Đất Mũi là do đang kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp tại Hòn Khoai, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển với quy mô 3,5 tỷ USD. Đây là dự án trọng điểm, được kỳ vọng sẽ vực dậy cho vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Vì vậy, khi cảng được xây dựng thì cần phải có đường cao tốc để tăng khả năng vận chuyển lưu thông hàng hóa. “Xuất phát từ tính thiết thực của đường cao tốc, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ bổ sung quy hoạch, đầu tư tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi. Vừa qua, tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tỉnh Cà Mau cũng có kiến nghị tương tự”, ông Hồ Hoàn Tất cho biết.
Sau các đề nghị của tỉnh, Bộ GTVT thông tin trở lại: Việc điều chỉnh quy hoạch sẽ được rà soát định kỳ 5 năm. Vì vậy, trong quá trình thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ rà soát và bảo lưu kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau, nếu có sự thay đổi, phát triển đột biến về nhu cầu vận tải, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Gập ghềnh đường về Đất Mũi! |