Những sự kiện tài chính 2016

(ĐTTCO) - Tân Thống đốc trẻ nhất lịch sử ngành NH; Các ông lớn giảm lãi suất cho vay; Huy động TPCP cán đích sớm; Tỷ giá - vàng biến động trái chiều... là những sự kiện nổi bật trong năm qua.

(ĐTTCO) - Tân Thống đốc trẻ nhất lịch sử ngành NH; Các ông lớn giảm lãi suất cho vay; Huy động TPCP cán đích sớm; Tỷ giá - vàng biến động trái chiều... là những sự kiện nổi bật trong năm qua.

1. Tân Thống đốc trẻ nhất lịch sử ngành NH

Ngày 9-4-2016, với tỷ lệ 403/486 phiếu đồng ý, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng giữ chức Thống đốc NHNN.

Ông Lê Minh Hưng sinh năm 1970, giữ cương vị Tư lệnh ngành NH ở tuổi 46, chính thức trở thành tân Thống đốc trẻ nhất ngành từ trước đến nay và nằm trong số bộ trưởng trẻ nhất hiện nay.

Với việc bổ nhiệm này, nhân sự cấp cao của NHNN hiện có Thống đốc Lê Minh Hưng và 5 Phó Thống đốc là ông Nguyễn Đồng Tiến, ông Đào Minh Tú, ông Nguyễn Phước Thanh, ông Nguyễn Kim Anh, bà Nguyễn Thị Hồng.

 

- 2. Các ông lớn giảm lãi suất cho vay

Một ngày sau cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp vào cuối tháng 4-2016, 4 NH lớn là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đã tiến hành giảm lãi suất cho vay 0,5-1%.

Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2016, các NHTM tiếp tục lên kế hoạch giảm lãi suất cho vay, đặc biệt ở các NH lớn như Vietcombank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm, VietinBank hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức tối đa 6%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm đối với ngư dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão lũ tại các tỉnh miền Trung.

BIDV hạ lãi suất cho vay xuống còn tối đa 6%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và một số nhóm doanh nghiệp khác.

3. Huy động TPCP cán đích sớm

Lần đầu tiên Bộ Tài chính đạt mục tiêu phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) cả năm cho ngân sách nhà nước ở tháng thứ 9-2016, với khối lượng huy động hơn 250.890 tỷ đồng, vượt kế hoạch huy động vốn qua kênh này 250.000 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Kho bạc nhà nước tiếp tục thông báo điều chỉnh kế hoạch phát hành các loại TPCP năm 2016 với mức tăng thêm 31.000 tỷ đồng lên 281.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11-2016, Kho bạc nhà nước đã huy động được 277.794 tỷ đồng, đạt hơn 98% kế hoạch huy động mới, số còn lại được nhận định không quá khó để huy động.

Vì thế 2016 được xem là năm bội thu và sôi động nhất từ trước tới nay của thị trường TPCP. Tình hình thanh khoản của các NH dồi dào là yếu tố tích cực khiến thị trường này phát triển, dù lãi suất trái phiếu theo xu hướng giảm ở hầu hết kỳ hạn. Việc cán đích huy động khối lượng vốn lớn này qua kênh trái phiếu đã giúp giảm đáng kể gánh nặng cho nguồn thu ngân sách quốc gia năm 2016.

 4. Tỷ giá - vàng biến động trái chiều

Năm 2016, chế độ tỷ giá trung tâm được chính thức áp dụng và giữ nhịp ổn định của phần lớn thời gian trong năm. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VNĐ đã có những thời điểm biến động mạnh do ảnh hưởng từ các sự kiện trên thế giới. Sự kiện Brexit ngày 23-6 đưa tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh thêm 80 đồng, lên mức 22.380 đồng/USD trên cả thị trường liên NH và thị trường tự do.

Tiếp theo sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, cộng hưởng với thông tin Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất và nhu cầu ngoại tệ gia tăng vào cao điểm cuối năm, đã đưa tỷ giá USD/VNĐ liên tiếp phá kỷ lục và duy trì ở mức cao trong nửa cuối tháng 11-2016. Tại nhiều thời điểm, trên thị trường tự do có lúc vượt 23.000 đồng/USD.

Trong khi đó, giá vàng trong nước tăng mạnh ngược với xu thế dậm chân tại chỗ của giá vàng thế giới. Giá vàng chỉ giảm trở lại theo xu hướng thế giới sau khi FED quyết định tăng lãi suất đồng USD. Do giá vàng trong nước giảm chậm hơn nên đến cuối năm khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới tiếp tục duy trì ở mức hơn 5 triệu đồng/lượng.

5. Sửa đổi Thông tư 36

Ngày 27-5-2016, NHNN chính thức ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các TCTD. Theo dự thảo trước đây, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản dự kiến tăng mạnh 150% lên 250%.

Tuy nhiên, ở Thông tư 06, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200% và được áp lộ trình thực hiện từ 1-1-2017. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được giữ nguyên 60% đến hết năm 2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1-1-2017 và từ 1-1-2018 sẽ xuống 40%. Như vậy, NHNN đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn 2 năm, dù vẫn theo quan điểm siết dần để kiểm soát rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống.

6. Đại án NH

Ngày 9-9-2016, sau gần 2 tháng xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên mức án 30 năm tù đối với bị cáo Phạm Công Danh với 2 tội danh vi phạm quy định về cho vay của các TCTD và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 3 bị cáo bị phạt 19-22 năm tù; 32 bị cáo khác với mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 9 năm tù.

Ngày 23-12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank và 47 bị can khác về các tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 10-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với một số cán bộ nguyên là lãnh đạo của DongABank do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ NH; trong đó có ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó Tổng giám đốc DongA Bank, và 3 nhân viên có liên quan.

7. Liên tiếp mất tiền thẻ ATM, thẻ tín dụng

Đầu tháng 8-2016, khách hàng Hoàng Thị Na Hương mất 500 triệu đồng trong tài khoản, trong đó 200 triệu đồng rút khỏi tài khoản qua ATM ở Malaysia và 300 triệu đồng được chuyển tiếp thông qua internet banking. Sau đó, liên tiếp các vụ chủ thẻ tín dụng, chủ thẻ ATM thông báo bị mất tiền trong tài khoản.

Các NH đã phải liên tục cảnh báo khách hàng, yêu cầu nhân viên rà soát lại toàn bộ quy trình bảo mật cho các giao dịch trên máy ATM, giao dịch qua internet banking, mobile banking. Một số NH còn áp dụng thêm phương pháp nhận diện bằng vân tay, giọng nói, khuôn mặt để gia tăng bảo mật cho khách hàng.

Các tin khác