Những thách thức ngành hàng cá tra phải đối mặt trong năm 2022

(ĐTTCO) - Một trong những thách thức mà ngành cá tra phải đối mặt là việc thiếu nguyên liệu chế biến có khả năng xảy ra trong quý I năm 2022. 
Những thách thức ngành hàng cá tra phải đối mặt trong năm 2022
Tại hội nghị trực tuyến  “Giải phát phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022" do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết diện tích thả nuôi cá tra trong 3 tháng là tháng 7, 8 và 9 vừa qua giảm khoảng 30-55% so với cùng kỳ năm ngoái do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Diện tích thả nuôi cá tra trong thời gian này giảm mạnh nên từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, mặc dù các doanh nghiệp đã khởi động lại hoạt động sản xuất, nhưng công suất chưa phục hồi lại như trước dịch. Do vậy, hoạt động của ngành hàng cá tra vẫn chưa thực sự phục hồi.

Áp lực tăng giá nguyên liệu và vật tư đầu vào cộng với việc kéo dài thời gian nuôi làm chi phí sản xuất tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng cá tra.

Năm 2021, giá thức ăn thủy sản tăng liên tục khiến giá thành sản xuất tăng từ 25-30%, trong khi giá bán cá nguyên liệu thấp hơn giá thành đã làm không ít hộ nuôi thua lỗ nặng. 
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá đề nghị các tỉnh hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp với cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất về quy hoạch vùng nuôi.
Nói thêm về các thách thức của doanh nghiệp trong năm tới, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc công ty CP Vĩnh Hoàn nhận định, những thách thức trong năm 2022 với cá tra là ngoài tác động của dịch Covid-19 thì giá thành thức ăn vẫn tăng "nóng," thiếu lao động, chi phí điện, nhân công tăng cao.
Bà Tâm cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục có chương trình hỗ trợ về con giống; trong đó, có cá tra hậu bị để có nguồn con giống chất lượng tốt hơn.
Về xuất khẩu, thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 về quy định đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc và Lệnh số 249 về biện pháp quản lý giám sát an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. 
Tuy nhiên, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ gặp thuận lợi khi xuất khẩu sang Trung Quốc vì đã đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này từ trước. Với 779 doanh nghiệp thủy sản đã đăng ký sẽ không phải đăng ký lại theo quy định mới của Trung Quốc.
Với các doanh nghiệp chưa có trong danh sách này phải đăng ký mới có thể xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2022. Dù vậy, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi Trung Quốc thắt chặt kiểm tra hàng hóa với chính sách "Zero Covid". 
Trở lại với thách thức về vấn đề nguyên liệu cho chế biến, ông Nhữ Văn Cẩn cũng cho biết từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản tích cực tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để phát triển sản xuất.
Ngành tiếp tục chỉ đạo tổ chức sản xuất giống, vật tư đầu vào phục vụ nhu cầu thả nuôi tháng 12 này và các tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, chỉ đạo thả nuôi để đảm bảo nguyên liệu chế biến trong năm 2022.
Lắng nghe chia sẻ của các địa phương và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh để khắc phục khó khăn và sớm phục hồi trở lại, Tổng cục Thủy sản cần phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để triển khai những giải pháp đồng bộ.
Địa phương phải vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ gắn với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí và cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình sản xuất.
Đồng thời, khuyến cáo các hộ nuôi chưa tham gia liên kết với doanh nghiệp tạm thời chưa thả cá, tiến hành nâng cấp điều kiện nuôi, tìm kiếm hình thức liên kết phù hợp để đảm bảo kế hoạch sản xuất ổn định, hạn chế rủi ro do tác động của dịch Covid-19 và thị trường. 
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, dự kiến sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Các tin khác