Trên cơ sở phân tích triển vọng về chứng khoán, hàng hóa và các cơ hội, các nhà chiến lược đầu tư toàn cầu của Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ đã dự báo 5 thị trường đầu tư có lợi nhất đang nổi lên trong năm 2012 thay cho thị trường các nước khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Đó là Canada, Chile, Malaysia, Hàn Quốc và Singapore.
BRIC tuột dốc
Đã 10 năm trôi qua kể từ khi Giám đốc Quản lý tài sản của Goldman Sachs Group Inc. Jim O’Neill “sáng tạo” ra cái tên BRIC. Lúc đó, ông đã dành nhiều dự báo hoa mỹ cho các nước BRIC.
Trong suốt thập niên qua, BRIC cũng được nhiều kỳ vọng trở thành đại diện các thị trường mới nổi để đối trọng với G7 - nhóm các nước giàu nhất hành tinh. Thế nhưng biểu hiện của BRIC dường như ngày càng đáng thất vọng. Tất cả 4 nước trong nhóm này đều đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn và có thể mang đến nhiều bất lợi cho giới đầu tư.
Trung Quốc là nước được đánh giá “khỏe mạnh” nhất trong các nước BRIC. Tuy nhiên, cỗ máy tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng này đang có biểu hiện rơi vào suy thoái kinh tế. Theo Larry Lang, GS. Trường Đại học Chinese University của Hồng Công, tăng trưởng GDP 9% Chính phủ Trung Quốc công bố chỉ là số liệu giả.
Theo ông, GDP của Trung Quốc đã giảm 10%. Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới còn đối mặt với lạm phát cao và lượng nợ xấu khổng lồ đang bị che dấu trong hệ thống ngân hàng. Theo chiến lược gia đầu tư toàn cầu Martin Hutchinson, lạm phát ở Trung Quốc đang tiến gần đến 2 con số, có thể là 16%, không phải 6% như Chính phủ công bố.
Các hãng đánh giá tín dụng toàn cầu ước tính lượng nợ xấu trong ngân hàng và nợ địa phương ở Trung Quốc có thể lớn gấp 3 lần con số được chính quyền Bắc Kinh công bố. Ngoài ra, Trung Quốc đã tiêu tốn quá nhiều tiền vào những danh mục đầu tư phi kinh tế. Đáng chú ý là những thành phố ma, những công trình đồ sộ nhưng không có người ở.
Tại Ấn Độ, Chính phủ bị chỉ trích không thể kiềm chế chi tiêu, tham nhũng tràn lan và không kiểm soát được lạm phát (hiện 10%). Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), 25% người Ấn Độ phải đưa hối lộ để có thể tiếp cận các dịch vụ công. 68% người dân cho rằng những nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ không hiệu quả. 90% người Ấn Độ tin rằng tệ nạn tham nhũng sẽ tiếp tục gia tăng trong ít nhất 3 năm nữa.
Tội phạm kinh tế tiếp tục là mối đe dọa cho các công ty ở Ấn Độ, với 35% các doanh nghiệp thừa nhận phải đưa hối lộ để được kinh doanh. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Ấn Độ vẫn bị đánh giá thấp. Trái với nhân dân tệ của Trung Quốc, rupee của Ấn Độ bị xem là đồng tiền “bấp bênh” nếu xét về tỷ giá với USD. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng yếu kém và chi phí năng lượng đắt đỏ là quan ngại của 73-74% nhà điều hành.
Các thị trường tiềm năng
Đối với Brazil và Nga, chiến lược gia Hutchinson cũng không nhiều kỳ vọng. Theo ông, Chính phủ Brazil chi tiêu lớn kể từ năm 2002 và thu được nhiều lợi nhuận từ làn sóng tăng giá hàng hóa toàn cầu những năm qua. Tuy nhiên, tình trạng ì ạch của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn khó khăn hiện nay đang báo trước một sự đi xuống của hàng hóa.
Trong khi đó, Chính phủ nước này đã quá quen với việc chi tiêu công lớn, sẽ không dễ cắt giảm chi tiêu trong một sớm một chiều. Hutchinson dự báo nếu hàng hóa rớt giá, Brazil sẽ gặp rắc rối lớn. Nga cũng có cùng “căn bệnh”.
Nước này hưởng lợi nhiều từ làn sóng tăng giá hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, cách đối xử với nhà đầu tư nước ngoài ở Nga bị cho là “rất tệ” và Hutchinson tin rằng sẽ còn tệ hơn nữa nếu Thủ tướng Vladimir Putin lên làm Tổng thống trong kỳ bầu cử vào tháng 3-2012.
Chile có thể là một trong các thị trường đầu tư sinh lợi lớn trong năm 2012. |
BRIC tiềm tàng nhiều bất ổn, châu Âu đầy rẫy hiểm nguy, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều phục hồi chậm chạp, vậy nhà đầu tư sẽ phải bỏ tiền vào đâu để sinh lợi vào năm tới? Theo chiến lược gia Hutchinson, hãy đầu tư vào Canada và một số thị trường Nam Mỹ và Đông Á.
Cụ thể, các thị trường đầu tư hứa hẹn nhất, theo Hutchinson, là Canada, Chile, Malaysia, Hàn Quốc và Singapore. Hai nền kinh tế châu Mỹ là Canada và Chile hiện đều vận hành khá tốt và đang hưởng lợi từ giá cả hàng hóa cao. Malaysia cũng tương tự, trong khi Hàn Quốc và Đài Loan sẽ được lợi khi hàng hóa rớt giá. Hàn Quốc mới đây ký hiệp ước tự do thương mại (FTA) với Hoa Kỳ, hứa hẹn sẽ thúc đẩy kim ngạch mậu dịch lên cao.
Nước này cũng nằm trong “câu lạc bộ nghìn tỷ”, tức những nước có GDP từ 1.000 tỷ USD trở lên. Hai công ty Hàn Quốc hứa hẹn sẽ hưởng lợi lớn từ FTA với Hoa Kỳ là Samsung Electronics Ltd. Co. và Hyundai Motor Co. Ngoài FTA với Hoa Kỳ, Hàn Quốc còn có FTA với EU, là một thị trường lớn.
Nền kinh tế Singapore đang vận hành tốt và hồi phục cực nhanh. Thị trường chứng khoán của Singapore dự báo tăng trưởng 5,2% trong năm 2012. Hơn nữa, thị trường Singapore hấp dẫn vì chứng khoán vẫn còn khá rẻ, chỉ gấp 13 lần doanh thu ước tính.
Hutchinson cũng cho biết cách tốt nhất để đầu tư vào các thị trường này là thông qua các quỹ chứng khoán (ETF). Đối với Canada, đó là quỹ iShares MSCI Canada Index ETF, với tài sản ròng 5 tỷ USD và tỷ suất giá cả/doanh thu (P/E) là 14. Chile không có quỹ ETF khả dĩ nào, nhưng có quỹ Aberdeen Chile vận hành rất tốt, dù vốn hóa thị trường chỉ có 130 triệu USD.
Nếu đầu tư vào Malaysia, có quỹ iShares MSCI Malaysia Index ETF với tài sản ròng 929 triệu USD, tỷ suất P/E 15. Nếu muốn trú ẩn trước sự lao dốc tiềm năng của thị trường hàng hóa, có thể xem xét các quỹ iShares MSCI Korea Index ETF của Hàn Quốc và quỹ iShares MSCI Taiwan Index ETF của Đài Loan. Quỹ iShares MSCI South Korea Index ETF có vốn hóa 3,5 tỷ USD và tỷ suất P/E là 6,76.