Những vấn đề nóng mùa ĐHCĐ 2018

(ĐTTCO) - Mùa ĐHCĐ năm 2018 được dự báo không quá gay cấn về vấn đề lợi nhuận, do phần lớn doanh nghiệp đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 2017. Tuy nhiên, những vấn đề nổi cộm trong mùa ĐHCĐ như tăng vốn, cổ tức… vẫn tiếp tục là chủ đề nóng trong mùa ĐHCĐ năm nay.  

Lãi vẫn không chia cổ tức
Ngân hàng (NH) TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã CK TCB) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2018. Các năm trước, vấn đề nóng nhất tại ĐHCĐ của TCB là kết quả kinh doanh và kế hoạch chi trả cổ tức, năm nay chỉ còn lại vấn đề cổ tức.
Theo báo cáo tại ĐHCĐ, lợi nhuận sau thuế năm 2017 của TCB đạt 8.036 tỷ đồng (tăng gấp đôi 2016). Với kết quả này, TCB tiếp tục đặt ra mục tiêu cực kỳ ấn tượng: chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mốc 10.000 tỷ đồng (tăng 24%); tổng tài sản đạt 315.184 tỷ đồng (tăng 17%); huy động vốn đạt 246.318 tỷ đồng (tăng 40%); dư nợ tín dụng đạt 213.582 tỷ đồng (tăng 18% và không vượt quá mức tăng trưởng do NHNN phê duyệt); nợ xấu duy trì dưới 2%. 
 Theo thống kê, top 50 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất hiện tại, đại diện cho 88% vốn hóa thị trường, có mức tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 19%. Nếu tính thêm các khả năng pha loãng của một số CP NH, mức tăng trưởng này ước tính 17%.
Dù ghi nhận được kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng TCB lại lần nữa khiến không ít cổ đông thất vọng khi tiếp tục duy trì chính sách không trả cổ tức. Như vậy, đây là năm thứ 8 liên tiếp, TCB không trả cổ tức cho cổ đông. Theo tờ trình phân phối lợi nhuận, TCB dự kiến sau khi trích các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối 9.345 tỷ đồng, tương đương 80,17% vốn điều lệ. Số tiền này sẽ được sử dụng để tăng vốn tự có, vốn cổ phần, vốn chủ sở hữu.
Việc tăng vốn sẽ được thực hiện thông qua việc chia thưởng CP hoặc tiếp tục nằm lại phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, như cách NH đã thực hiện trong 7 năm qua.
Sau TCB, hàng loạt NHTMCP cũng lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ, trong đó vấn đề nổi cộm nhất vẫn là kế hoạch chi trả cổ tức.
Những NH “đánh tiếng” có cổ tức hấp dẫn như NHTMCP Phát triển TPHCM (HDBank, mã CK HDB), NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã CK VPB), NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank, mã CK LVP)… ĐHCĐ năm 2108 được cho sẽ diễn ra trong bầu không khí đầy lạc quan.
Tuy nhiên, đối với NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã CK EIB) đây sẽ là mùa ĐHCĐ nóng nhất từ trước đến nay. Dự báo, ĐHCĐ 2018 của EIB không chỉ có chất vấn gay gắt của cổ đông về cổ tức mà còn đến vấn đề tiền gởi, sau vụ khách hàng bị mất hơn 254 tỷ đồng tiền gởi tại NH này.
Cuối năm 2017, CTCP Đường Kon Tum (KTS) thông báo sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản việc điều chỉnh không chi trả cổ tức năm tài chính 2016-2017. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2017, cổ đông KTS đã thông qua phương án chi trả cổ tức niên độ 2016-2017 là 15% vốn điều lệ. Việc HĐQT KTS bất ngờ thay đổi quyết định chắc chắn sẽ khiến cổ đông không hài lòng, và gần như chắc chắn cổ tức sẽ là vấn đề cực nóng trong mùa ĐHCĐ 2018 của KTS.
Những vấn đề nóng mùa ĐHCĐ 2018 ảnh 1 EximBank sẽ đối diện nhiều chất vấn khó khăn tại ĐHCĐ 2018 tới đây. 
Lo ngại hiệu quả sau tăng vốn
Ngày 13-3, ĐHCĐ của CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC) được tổ chức tại TPHCM. Tại ĐHCĐ này, một trong những tờ trình quan trọng của PNC đã không được cổ đông thông qua là phương án phát hành CP tăng vốn điều lệ. Theo tờ trình, PNC dự định phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ từ 110,4 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, giá phát hành 10.000 đồng/CP.
Theo HĐQT PNC, số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ được bổ sung vào vốn huy động thêm để hoàn trả các khoản nợ vay, nhằm đảm bảo khả năng tài chính, khắc phục tình trạng kinh doanh thua lỗ và lỗ lũy kế cao. Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ cổ đông. Các cổ đông đặt câu hỏi về kế hoạch chi tiết của phương án sử dụng và hiệu quả sử dụng vốn, nhất là sau khi doanh nghiệp vừa thua lỗ nặng trong năm 2017. 
Ngoài ra, nhiều cổ đông lo ngại không đủ khả năng tài chính để tham gia đợt phát hành và có thể bị pha loãng tỷ lệ sở hữu. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi PNC vừa kết thúc năm 2017 với những con số đáng thất vọng. Theo BCTC năm 2017, dù doanh thu thuần tăng hơn 12% nhưng với nhiều khoản chi phí tăng cao, PNC đã lỗ hơn 66,5 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017, tổng lỗ lũy kế của PNC lên đến 106 tỷ đồng, gần bằng vốn góp chủ sở hữu (hơn 110,4 tỷ đồng).
Từ chuyện tăng vốn bất thành của PNC, cho thấy vấn đề tăng vốn luôn nhận được các ý kiến trái chiều từ cổ đông. Đơn cử, ĐHCĐ 2018 của CTCK Artex (ART) được tổ chức ngày 10-2 vừa qua, tờ trình tăng vốn điều lệ từ 310,5 tỷ đồng lên 1.460 tỷ đồng dù được cổ đông thông qua, nhưng trước đó nhiều cổ đông của ART đã bày tỏ sự quan ngại về kế hoạch tăng vốn khủng này. Theo ý kiến của các cổ đông phản đối, kế hoạch tăng vốn này thực chất là phục vụ việc thâu tóm của một số cổ đông lớn. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn vốn tăng thêm cũng bị cổ đông đặt dấu hỏi, bởi trước đó ART đã có nhiều thương vụ đầu tư không hiệu quả.

Ban điều hành sẽ bị… hành
Tại ĐHCĐ 2018, vấn đề lợi nhuận sẽ không còn quá nóng như các mùa ĐHCĐ trước đó. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, đây vẫn là chủ đề các thành viên Ban điều hành phải đau đầu trước những ý kiến chất vấn từ cổ đông. Trường hợp CTCP Điện tử Biên Hòa (BEL) là một thí dụ. Năm 2017, BEL ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 23 tỷ đồng (hoàn thành 75% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế âm 550 triệu đồng (lỗ năm thứ 4 liên tiếp).
Tuy nhiên, khi giải trình về nguyên nhân thua lỗ, lãnh đạo doanh nghiệp đã đổ lỗi cho người tiền nhiệm. Theo đó, nguyên nhân kết quả kinh doanh năm qua không đạt kế hoạch do Ban điều hành cũ đã không kiểm soát được chi phí nói chung, đặc biệt là chương trình khuyến mại du lịch năm 2017 đã thực hiện không đúng yêu cầu của HĐQT. Thêm vào đó nội bộ mất ổn định, cùng với tình hình thị trường khó khăn và sự thiếu nhiệt tình trong công việc, đã dẫn đến lượng tiêu thụ hàng hóa thấp, hàng tồn kho lớn và công nợ kéo dài.
Ngay với doanh nghiệp có lợi nhuận khủng như Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) cũng được dự báo là có mùa ĐHCĐ không êm ả, sau khi Kiểm toán Nhà nước vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về kết luận báo cáo kiểm toán báo cáo tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 của HĐQT doanh nghiệp này.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ công ty mẹ phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ hơn 444 tỷ đồng. Đây phần lớn là các khoản đầu tư trái ngành, chủ yếu vào lĩnh vực NH, CK, quỹ đầu tư tài chính. 
Liên quan đến chi thưởng cho ban lãnh đạo, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo làm rõ, xem xét trách nhiệm đối với việc chi thưởng cho người quản lý trong năm 2015 tại công ty mẹ không hợp lý với người lao động và không đảm bảo quy định.
Cụ thể, HĐQT SAB đã chi tiền thưởng của năm tài chính 2015 cho Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát và Kế toán trưởng hơn 15 tỷ đồng (bằng 20,3 tháng lương thực hiện bình quân của người quản lý). Trong khi đó, mức tối đa doanh nghiệp được thưởng theo quy định tại Nghị định 71/2013 chỉ 1,5 tháng lương. 

Các tin khác