Mặc dù chưa thể xác nhận thị trường đã thoát khỏi xu hướng giảm giá (down trend) hay chưa, nhưng đây là một tín hiệu tích cực cho thấy nhà đầu tư đã bắt đầu quay lại sau một thời gian mất niềm tin vào thị trường.
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Điểm sáng từ khối ngoại
Sau khoảng 4 tháng VN-Index giao dịch dưới mốc 1.000 điểm (có thời điểm VN-Index rơi về 882 điểm), chỉ trong 5 phiên giao dịch gần đây, VN-Index đã tăng hơn 100 điểm, vọt lên 1.048,42 điểm khi chốt phiên ngày 30-11. Điều đáng nói, thanh khoản thị trường đã tăng mạnh lên 15.000-20.000 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ tháng 1-2022. Qua đó phần nào cho thấy nhà đầu tư đã chịu xuống tiền để mua cổ phiếu một cách chủ động, không còn e dè như trong nhịp điều chỉnh giảm sâu của TTCK Việt Nam suốt nhiều tháng qua.
Có thể nói, góp phần vào sự khởi sắc của TTCK Việt Nam thời gian qua có sự đóng góp tích cực của khối ngoại. Trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước đã mất niềm tin và bán tháo cổ phiếu thì khối ngoại đã mua ròng mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng giúp VN-Index phục hồi. Thống kê cho thấy, sau 2 tháng bán ròng tổng cộng 4.800 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam, từ đầu tháng 11-2022 đến nay, khối ngoại đã mua ròng gần 14.500 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, một số quỹ đầu tư đã giải ngân mạnh trong nhiều phiên gần đây. Cụ thể, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (Đài Loan - Trung Quốc) đã mua ròng 400 tỷ đồng trong 1 phiên vào ngày 29-11.
Theo lý giải của nhiều chuyên gia chứng khoán, một trong những yếu tố thu hút khối ngoại mua ròng mạnh mẽ trên TTCK Việt Nam là sau nhịp điều chỉnh sâu kéo dài, hàng loạt cổ phiếu trên thị trường đã quá hấp dẫn, nhiều cổ phiếu Bluechips có thị giá về dưới giá trị sổ sách mà trong thị trường bình thường khó có thể xảy ra. Nhiều cổ phiếu trụ cột đầu ngành đã về lại định giá tương tự giai đoạn 2009 và 2012, với định giá P/B (thị giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) tiệm cận mốc 0,6-0,8 lần. Theo Quỹ đầu tư VinaCapital, so với các nước khác trong khu vực ASEAN và TIP (bao gồm Thái Lan, Indonesia và Philippines), định giá TTCK Việt Nam hiện đang rất rẻ. Mức chiết khấu theo định giá P/E (thị giá trên tỷ suất lợi nhuận cổ phiếu) của Việt Nam so với các nước hiện đã lên đến 36%, cao hơn 3 lần so với trung bình 5 năm trước là 12%. P/E thấp nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam dự báo tăng trưởng 17,5% cho năm 2023, cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực, cho thấy sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam nên khối ngoại đã mua ròng rất mạnh. Những tín hiệu mua ròng trở lại này được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ tích cực cho thị trường trong thời gian tới.
Định giá hấp dẫn
Mức tuột dốc thời gian qua đưa TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới kể từ đầu năm, bất chấp bối cảnh vĩ mô tương đối ổn định. Nhiều nhà đầu tư chìm trong thua lỗ và mất niềm tin vào thị trường.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT, sau khi VN-Index điều chỉnh mạnh đã có những dòng tiền lớn âm thầm đổ bộ vào thị trường. Cụ thể là nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã mua vào khi thị giá cổ phiếu giảm sâu. Khối tự doanh công ty chứng khoán cũng như các quỹ ngoại đã tích cực mua cổ phiếu khi định giá đã hấp dẫn. Động thái mua vào cổ phiếu có thể coi là tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin doanh nghiệp sẽ phát triển trong tương lai.
Dòng tiền lớn liên tục giải ngân đã góp phần chặn đứng đà rơi của cổ phiếu, đặc biệt tại nhóm ngành bất động sản, trong phiên gần đây, trong đó tâm điểm là cặp đôi NVL và PDR được “giải cứu” thành công sau 15-16 phiên giảm sàn liên tục, đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. “Rủi ro vẫn còn phía trước và chuyện dự đoán ngắn hạn của thị trường là khó do yếu tố vĩ mô còn nhiều bất lợi và chưa rõ ràng. Tuy nhiên, với xác suất định giá thấp sẽ mở ra cơ hội mang lại lợi nhuận đối với những nhà đầu tư thông minh khi thị trường phục hồi trở lại”, ông Huỳnh Minh Tuấn cho hay.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong một phiên giao dịch hồi đầu tuần. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ VinaCapital, lý giải, TTCK Việt Nam giảm mạnh thời gian qua có nguyên nhân xuất phát từ các vấn đề nội tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Cuộc khủng hoảng thanh khoản thị trường TPDN được kích hoạt bởi sự siết chặt kỷ luật đối việc phát hành trái phiếu, cũng như xử lý vi phạm của doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn tại Việt Nam.
Những sự việc này xảy ra cùng lúc đã khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm nghiêm trọng. Theo bà Nguyễn Hoài Thu, mặc dù thị trường có thể khó đoán trong ngắn hạn do còn nhiều yếu tố bất định, nhưng khi các công ty bất động sản dần giải quyết vấn đề thanh khoản của mình, niềm tin của nhà đầu tư cá nhân sẽ phục hồi trở lại.
Bà Nguyễn Hoài Thu cho rằng, triển vọng TTCK Việt Nam trong dài hạn đến từ tăng trưởng kinh tế trong khu vực, định giá hấp dẫn và sức hút với dòng vốn ngoại. “10 năm qua, tăng trưởng bình quân VN-Index vẫn ở mức 2 con số. Do đó, nếu chọn lọc được một danh mục cổ phiếu tốt, quản lý một cách bài bản và có quy trình quản trị rủi ro nghiêm ngặt thì vẫn có thể thu được thành quả đầu tư tốt. Nhất là khi TTCK Việt Nam đang mở ra cơ hội mua dài hạn với mức định giá hiếm có trong lịch sử”, bà Nguyễn Hoài Thu chia sẻ.
Ngoài những yếu tố trên, các chuyên gia trong lĩnh vực TTCK cho rằng, dấu hiệu hạ nhiệt của lãi suất cũng là tin vui cho TTCK. Cụ thể, trong cuộc họp mới đây của FED đưa ra những tín hiệu sẽ giảm nhiệt trong việc tăng lãi suất để phát triển kinh tế. Trong nước, một số ngân hàng cũng có động thái giảm lãi suất. Những tín hiệu này tác động tích cực đến tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư trong thời gian tới.
Ông Katut Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp của World Bank: Thị trường vốn của Việt Namcó thể thu hút 75 tỷ USD trong năm 2023 Việt Nam đang đứng ở tốp 6 trong danh sách trở thành thị trường mới nổi trên thế giới nên rất hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi thì trong năm 2023, Việt Nam có thể thu hút được 25 tỷ USD từ các nhà đầu tư mới trên thị trường quốc tế. Không chỉ là thị trường mới nổi mà chúng tôi đánh giá TTCK Việt Nam là thị trường tiên phong, vì Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất về GDP so với các nước trong khu vực. Thị trường vốn của Việt Nam chiếm 30% GDP. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 có thể đạt 8%. Nếu những điều kiện trên được thỏa mãn, thị trường vốn (cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu) của Việt Nam sẽ thu hút được khoảng 75 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp. |
----------------------------------
Khối ngoại mua ròng 1.100 tỷ đồng, VN-Index vẫn giảm gần 13 điểm Sau 5 phiên tăng điểm liên tục liền trước với VN-Index tăng tổng cộng hơn 100 điểm, TTCK trong phiên giao dịch ngày đầu tháng 12-2022 đã quay đầu giảm, bất chấp khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 1.100 tỷ đồng trên toàn thị trường. Nhóm cổ phiếu Bluechips giảm mạnh, như BID giảm 5,1%, CTG giảm 4%, STB giảm 2,5%, MSN giảm 2,6%, SSI giảm 5,5%..., góp phần khiến VN-Index đang tăng hơn 16 điểm quay đầu giảm gần 13 điểm khi chốt phiên, tức giảm khoảng 30 điểm ở mức điểm cao nhất trong phiên. Nhiều cổ phiếu chứng khoán, bất động sản quay đầu giảm điểm, riêng nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn có nhiều cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, PDR, CEO, DIG, DXG, DRH, HQC, ITA, NBB, TDC… tăng trần. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1-12, VN-Index giảm 12,14 điểm (1,16%) xuống 1.036,28 điểm. Trong khi đó, chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index lại tăng 2,21 điểm (1,06%), lên 211 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh với tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường lên đến gần 24.400 tỷ đồng. |