Niềm tin và hy vọng

(ĐTTCO) - Theo khảo sát mới đây của Business France, cơ quan phát triển kinh tế và xúc tiến ngoại thương Pháp, hiện có gần 1.200 doanh nghiệp Pháp đang có mặt và hoạt động trên đảo quốc Sư tử với tỷ lệ tăng 15% so với cách đây 5 năm; số lượng các nhà khởi nghiệp Pháp tại Singapore cũng tăng gấp đôi.

1.

Chính phủ Pháp đã bỏ ra 200 triệu EUR để đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp và Singapore là bạn hàng thương mại lớn nhất của Pháp trong khu vực Đông Nam Á. 

Có nhiều lý do khiến doanh nhân và nhà đầu tư Pháp đến Singapore lập nghiệp. Bên cạnh là điểm hấp dẫn nhất do vị trí địa lý thuận tiện, đảo quốc Sư tử bé nhỏ này còn được coi là cánh cửa để vào châu Á của doanh nhân và nhà đầu tư Pháp. Trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Francoise Hollande vào tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp 2 nước đã ký 10 thỏa thuận hợp tác, trong đó Singapore sẽ khai thác thế mạnh về công nghệ của Pháp để phục vụ cho mục tiêu Quốc gia thông minh và cải thiện môi trường sống của người dân. Singapore cũng xác định các giải pháp đô thị như một trong những cột trụ chính của nền kinh tế trong tương lai, và châu Á cũng là thị trường lớn của Singapore, theo đó 3,2 tỷ người sẽ có xu hướng sống trong đô thị vào năm 2050.

Theo tiết lộ của ông Goh Chee Kiong, Giám đốc điều hành phụ trách lĩnh vực công nghệ sạch và đô thị, hạ tầng và giải pháp của Cục Phát triển Đầu tư Singapore (EDB) trong một cuộc phỏng vấn trên nhật báo The Straits Times, Chính phủ Singapore đã bỏ ra gần 1 tỷ đô la Singapore để đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp đô thị trong 5 năm tới.
Sự có mặt của nhiều doanh nghiệp Pháp trên đảo quốc Sư tử sẽ thúc đẩy nhanh tham vọng đó. Thí dụ, Tập đoàn đa quốc gia Schneider Electric, chuyên về quản lý năng lượng và tự động hóa đã hoạt động ở đây từ hơn 40 năm qua. Như vậy, đẳng cấp và chất lượng tin cậy của những doanh nghiệp châu Âu nói chung và của Pháp nói riêng sẽ được chuyển hóa thành những giải pháp cụ thể, phù hợp với nhu cầu phát triển của các nước châu Á thông qua Singapore.
Tác giả Lê Hữu Huy (ngồi ngoài cùng bên trái) đại diện cho phía Việt Nam trong Hội nghị ngân hàng ASEAN tại Philippines tháng 11-1999. 

2.

Một trong những sự kiện lớn trong năm 2017 là kỷ niệm 50 năm  ngày thành lập ASEAN - liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Được thành lập vào ngày 8-8-1967, với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines, ASEAN thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong cùng khu vực, đồng thời hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn tại các nước thành viên.
Sau Hội nghị Bali năm 1976, ASEAN xúc tiến chương trình cộng tác kinh tế, nhưng phải đợi đến năm 1991 khối mậu dịch tự do mới thực sự hình thành. Hàng năm, các nước thành viên đều luân phiên tổ chức các cuộc hội họp chính thức để tăng cường hợp tác. Và vào ngày 28-7-1995, Việt Nam đã chính thức gia nhập ASEAN, mở ra những cánh cửa ngoại giao song phương, đa phương và hội nhập khu vực. Giờ đây Việt Nam không chỉ là bạn mà còn trở thành đối tác tin cậy của các nước với tư cách là thành viên của một khối kinh tế đa dạng, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.        

Đúng 2 năm sau ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, ngày 28-7-1997, một chàng thanh niên Sài Gòn tuổi chưa tròn 28, mang theo hành lý nặng 60 ký bước lên chuyến bay VN741 của Hàng không Việt Nam sang Singapore làm Trưởng đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), một ngân hàng thương mại đối ngoại hàng đầu lúc bấy giờ. Sự hiện diện lần đầu tiên của Vietcombank tại một trung tâm tài chính ngân hàng hàng đầu như Singapore, đã đánh dấu cam kết của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong nỗ lực hội nhập khu vực và quốc tế.
Bất chấp khủng hoảng tài chính diễn ra trong khu vực vào năm 1997, Vietcombank vẫn có mặt ở Singapore và văn phòng đại diện tại Singapore đã giúp ngân hàng này nâng cao vị thế của mình trong cộng đồng ngân hàng ASEAN, cũng như đóng góp vào quá trình hội nhập toàn cầu của ngành tài chính ngân hàng nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Khủng hoảng tài chính khu vực qua đi và kinh tế các nước ASEAN đã khởi sắc trở lại với mức tăng trưởng vững chắc. Năm 2011, hoạt động giao thương giữa các nước ASEAN tăng gấp 7 lần so với thời điểm thành lập Khu vực Tự do mậu dịch ASEAN (AFTA) vào năm 1993. Năm 2013, nhóm ASEAN-5 (gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines) đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều hơn cả Trung Quốc và GDP toàn khối ASEAN, đạt con số 2.400 tỷ USD, trở thành nền kinh tế đứng thứ 7 toàn cầu. Theo nghiên cứu mới đây của các chuyên gia thuộc United Overseas Bank (UOB) của Singapore, kinh tế ASEAN sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2025. Còn hãng tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey dự đoán ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2050.

3.

Vì một số lý do khách quan và chủ quan, chàng thanh niên nói trên đã chia tay với ngân hàng và ở lại Singapore để tiếp tục dùi mài đèn sách. Vừa học vừa làm, anh đã tranh thủ tiếp cận nhiều môi trường làm việc khác nhau theo hình thức bán thời gian, hay làm nghề tự do như bán hàng, tiếp thị sản phẩm Việt Nam, dạy tiếng Việt.  Luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Đông Nam Á học của anh về đề tài thương mại tự do được các giáo sư Trường Đại học Quốc gia Singapore đánh giá cao và đây cũng là tiền đề của bài viết “Singapore và ASEAN trong nền kinh tế toàn cầu: Trường hợp của những thỏa thuận thương mại tự do” (Singapore and ASEAN in the global economy: The Case of FTAs) đăng trên Asian Survey, tạp chí nghiên cứu các vấn đề châu Á của Nhà xuất bản Trường Đại học California  năm 2003.
Với tâm nguyện đóng góp cho xã hội và cộng đồng, anh đã trở thành cây viết thường xuyên cho 2 tờ báo lớn có uy tín ở TPHCM và luôn cố gắng cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình đầu tư - tài chính tại Singapore và các nước trong khu vực, hoặc chia sẻ những kinh nghiệm, quan điểm của mình về quản lý nhà nước, chính sách công, quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước.

Hai thập niên đã trôi qua và chàng thanh niên đó nay đã trở thành một doanh nhân quá ngoại tứ tuần, tóc bạc hoa râm. Cái tự hào vốn dĩ của người con mang dòng máu Việt và thực tế thua kém của doanh nghiệp Việt trên thương trường quốc tế, luôn là động lực giúp anh tồn tại và vươn lên nơi đất khách quê người. Bất chấp những thách thức và vấp ngã trên thương trường, khát vọng cống hiến cho quê nhà Việt Nam của anh vẫn cháy bỏng. Và may mắn đã đến với anh khi nhiều đề nghị hợp tác của anh được doanh nghiệp Việt lắng nghe và chấp nhận, chuyển thành những hành động và con số cụ thể. 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, hai mươi năm lăn lóc nơi đất khách đã giúp anh chiêm nghiệm về bản thân và ý nghĩa cuộc sống của người con mang dòng máu Việt. Vẫn còn đó những cơn đau tình cờ, những nỗi buồn sâu kín của câu dân ca “Giận mà thương”, mà anh chỉ dám thổ lộ với bạn bè tâm giao lúc trà dư tửu hậu. Nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là niềm tin và hy vọng về quê hương đất nước như câu hát về nơi anh chính thức nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo ngân hàng để nhận trọng trách đem chuông đi đánh xứ người: “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau. Chân ta bước lòng ung dung tự hào, kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao…”.
Singapore, ngày 24-8-2017

Các tin khác