Với mong muốn nhiều người có thể sử dụng sản phẩm tỏi đen, anh CAO QUỐC VINH, Giám đốc Công ty TNHH AUM, đang nỗ lực mở rộng quy mô nhà máy, nâng công suất, hạ giá thành. Anh đặt mục tiêu cuối năm sau sản phẩm phải có giá thành tốt.
Không có gì ngoài vốn
Vào khoảng năm 2009, tỏi đen còn khá xa lạ ở thị trường Việt Nam, bản thân anh Vinh cũng chỉ biết tới khi có dịp qua Hàn Quốc và tình cờ được một đối tác mời ăn thử. Điều đầu tiên thu hút anh chính là vị rất dễ ăn, khác hẳn so với tỏi trắng.
Đặc biệt, khi biết được những công dụng của tỏi đen anh đã nung nấu ý định sẽ kinh doanh sản phẩm này. Nhưng từ suy nghĩ đến thực tế lại không phải là một khoảng cách ngắn. Chỉ thử qua một vài lần, chưa trực tiếp vào một nhà máy nào, mọi thứ gần như quá mông lung.
Việc đầu tiên anh thực hiện đó chính là tìm thông tin trên mạng internet. “Khi biết được không chỉ Hàn Quốc mà một số quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ… cũng có sản phẩm này tôi càng thêm tự tin, vì nếu chỉ mình Hàn Quốc có lại quá khó khăn” - anh Vinh chia sẻ.
Giữa một rừng thông tin về sản phẩm, máy móc, công nghệ, kỹ thuật, anh chọn cho mình một đối tác đến từ Nhật Bản để chuyển giao kỹ thuật. Song mọi chuyện không đơn giản, bởi cái làm nên thành công và cũng là điều khiến anh bị cuốn vào công việc này chính là bí quyết.
“Khi thử sản phẩm của các DN từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, tôi thấy vị của chúng không giống nhau. Và tôi hiểu rằng mỗi DN đã có cho mình một bí quyết riêng” - anh Vinh nói. Lẽ dĩ nhiên, anh cũng phải tìm một bi quyết cho sản phẩm của mình. Mày mò thử nghiệm gần 2 năm trời, đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi tỏi đen như thế nào là chuẩn, mềm như thế nào là đúng, vị ra sao thì ngon… “Làm tỏi đen cũng như nấu cơm vậy, cùng là cái nồi cơm điện nhưng có người nấu cơm ngon, có người nấu bị khô, bị nhão” - anh Vinh tâm sự.
Làm được thành phẩm ưng ý lại phải đổi nguyên liệu. Ban đầu anh Vinh dùng tỏi tép, nhưng khi làm tỏi đen tỷ lệ hao hụt lên tới hơn 65% nên thành phẩm ra khá nhỏ về kích thước. Anh quyết định thử nghiệm và thành công với nguyên liệu tỏi cô đơn.
Cuối năm 2011 anh Vinh thành lập Công ty TNHH AUM, nhưng do sản phẩm quá mới không có mã ngành nên sản phẩm của anh được xếp vào nhóm tỏi sấy. Rồi việc kiểm định dược chất thời điểm đó cũng chưa có, cơ quan kiểm định chỉ kiểm định thành phần dinh dưỡng. Tỏi đen ngoài vị (đáp ứng mặt ẩm thực) cái quan trọng nhất chính là tác dụng. Mãi đến cuối năm 2012, đầu 2013 mới có hóa chất để kiểm định dược chất này.
Chinh phục người tiêu dùng
Ngay khi còn làm thử nghiệm anh Vinh đã bắt đầu giới thiệu sản phẩm tỏi đen tới những người thân, quen, nhưng hầu hết đều tỏ ra thờ ơ với sản phẩm này. Anh nhớ lại: “Cũng có lúc rất nản, nhưng rồi lại nghĩ những nước khác đã đi trước, đã thành công, mình không nên bỏ cuộc”. Kiên trì tiếp thị, nhưng anh cũng thầm cảm ơn sự xuất hiện của một vài DN khác vào năm 2013.
“Chỉ một tiếng nói của mình sẽ không thuyết phục. Nhưng khi có vài DN cùng quảng bá, có nhiều thông tin liên quan hơn, người tiêu dùng mới dần biết tới và sử dụng” - anh Vinh kể. Sự cạnh tranh trong kinh doanh không chỉ có tác dụng tới người tiêu dùng mà còn tác dụng với chính các DN.
Đến nay tỏi đen AUM đã có mặt trong một số siêu thị như AEON và Marximark, đồng thời sản phẩm cũng được xuất qua một số thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan…
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, anh Vinh cho biết đó cũng là nhờ DN anh chăm chỉ tham gia các hội chợ, tại đó các đối tác đã tìm đến và đặt hàng. Thêm nữa, giá thành của AUM cũng khá cạnh tranh so với các sản phẩm tại các quốc gia này. Hiện giá của 500 gram tỏi đen thành phẩm AUM là 590.000 đồng (loại bóc vỏ).
“Mức giá này so với trước nay cũng giảm khá nhiều” - anh Vinh nói. Anh cũng cho biết đang mở rộng đầu tư, nâng công suất nhà máy. Hiện công suất nhà máy AUM là 3.000kg thành phẩm/tháng. Nếu nâng công suất lên giá thành trong thời gian tới sẽ còn giảm nữa.
Tỏi đen có giá trị kinh tế rất lớn. |
Nói về câu chuyện giá thành tỏi đen nói chung trên thị trường còn quá cao so với mức thu nhập bình quân của đại đa số người tiêu dùng, anh bộc bạch thường sản phẩm nào mới xuất hiện cũng có giá cao do nhà sản xuất phải khấu hao, do sản lượng còn thấp. Nhưng dần dần với sự tham gia của nhiều DN, giá sẽ giảm do cạnh tranh, đó cũng là quy luật thị trường.
Anh kỳ vọng từ nay đến cuối năm 2016 giá sản phẩm của AUM sẽ giảm nhiều hơn nữa để có nhiều người tiêu dùng có thể sử dụng hàng ngày như sản phẩm bảo vệ sức khỏe. “Để tiết kiệm chi phí mua tỏi đen, nhiều người tiêu dùng đang truyền tay nhau cách ủ tỏi đen bằng nồi cơm điện, cách này liệu có đảm bảo dược chất cần thiết của tỏi đen hay không?
Theo đánh giá của tôi, nhiều sản phẩm trước khi công nghiệp hóa cũng xuất phát từ cách làm thủ công, tỏi đen cũng không ngoại lệ. Nhưng để biết cách làm thủ công có đảm bảo dược chất hay không cần phải kiểm định chứ không thể võ đoán” - anh Vinh cho hay.
Chỉ là một gia vị thân quen của người Việt Nam, nhưng tỏi đang mang lại thành công cho không chỉ anh Vinh, AUM mà còn cho nhiều DN Việt khác.