Thi công nâng cấp, cải tạo bờ kênh Tẻ, quận 7. Ảnh: CAO THĂNG
Thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, TPHCM đã và đang chịu nhiều tác động của BĐKH. Chẳng hạn như mưa cực đoan nhiều hơn; lượng mưa tại TPHCM dưới ảnh hưởng của BĐKH có xu hướng tăng trong giai đoạn 1980-2017 và sự gia tăng lượng mưa sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai với gia tăng dự đoán khoảng 5%-13%. Vào mùa khô, nắng nóng cũng sẽ kéo dài hơn và thiệt hại về kinh tế sẽ ngày một gia tăng. Nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường cho thấy, TPHCM chịu tổn thương cao trước những tác động của các hiện tượng cực đoan khí hậu. Nghiên cứu nêu rõ vào năm 2070, TPHCM sẽ có khoảng 9,2 triệu người bị phơi nhiễm (chịu tác động của BĐKH như ngập lụt, hạn hán, nước biển dâng, mưa, bão...), ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 650 tỷ USD.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình, TPHCM xem việc ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn, bởi TPHCM là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi BĐKH. Để đạt được các mục tiêu và giảm thiểu những tác động do BĐKH gây ra, thành phố sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm như xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực có liên quan ở cấp thành phố; tăng cường quản lý tổng hợp để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và ứng phó BĐKH thông qua việc lồng ghép các yếu tố và mục tiêu ứng phó BĐKH và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; nghiên cứu giải pháp liên kết vùng và các lĩnh vực trong triển khai hoạt động ứng phó với BĐKH. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong việc xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về khí hậu, thủy văn, tài nguyên môi trường phục vụ việc giám sát, dự báo, cảnh báo, đề xuất giải pháp ứng phó BĐKH. Song song đó là các giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nhận được hỗ trợ về công nghệ, tài chính và con người giúp thành phố ứng phó với BĐKH.
Cần tiếng nói chung
Một số nhà khoa học cho rằng, thành phố nên đồng bộ, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Cần có tiếng nói chung của các sở, ngành, không thể theo kiểu mạnh ai nấy làm. Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, những rủi ro thiên tai do tác động của BĐKH là điều không thể tránh khỏi vì vậy chúng ta cần cấp bách có giải pháp căn cơ để thích ứng, thích nghi và sống chung với BĐKH.
Trong đó, nhóm giải pháp thích ứng cần ban hành chính sách, pháp chế, quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, hoạt động thích ứng. Kế tiếp là giải pháp về kỹ thuật, cần tập trung đầu tư các công trình ngăn triều, chống ngập, nạo vét kênh rạch. Và giải pháp không thể bỏ qua là nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong bảo vệ môi trường. PGS-TS Lê Thị Kim Oanh, Trường Đại học Văn Lang, cũng cho rằng, dưới tác động của BĐKH, dân số di cư đến TPHCM ngày một cao nhưng nhiều cơ sở hạ tầng ở thành phố lại chưa đáp ứng nhu cầu. Để thích ứng với BĐKH, thành phố cần mở rộng, tăng khả năng liên kết vùng đô thị nhằm giãn dân và phối hợp quản lý; xây dựng chính sách hỗ trợ người nhập cư. Với giải pháp kỹ thuật, thành phố cần đầu tư mạnh cho hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
BĐKH ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng khó đoán. Mặc dù, Chính phủ và các địa phương đã triển khai nhiều dự án, hoạt động để ứng phó và đạt được những thành tựu ban đầu trong quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Thế nhưng, xu hướng gần đây cho thấy, BĐKH được dự báo sẽ làm gia tăng các rủi ro do thiên tai như lũ, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn vốn đã phổ biến ở Việt Nam. Nếu không hành động kịp thời, mạnh mẽ và đồng bộ, áp lực từ các hoạt động của con người lên hệ sinh thái sẽ làm gia tăng các rủi ro thiên tai.