![]() |
NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh vừa công bố mô hình liên kết 4 nhà (ngân hàng-chủ đầu tư-nhà thầu-nhà cung cấp VLXD) thông qua việc cam kết hỗ trợ tài chính cho các dự án của ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và VLXD.
Theo đó, 9 NHTM hợp tác đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cung ứng tài chính cho các dự án BĐS. Đây cũng không phải là gói tín dụng ưu đãi mà các dự án vay phải tuân theo quy định, trên cơ sở hiệu quả.
Trong bối cảnh thị trường BĐS đang mất niềm tin: người dân không tin chủ đầu tư, các bên tham gia vào dự án không tin nhau, các thành viên trong chuỗi liên kết 4 nhà cùng ký hợp đồng để vốn ngân hàng bơm trực tiếp vào dự án. Với những doanh nghiệp có dự án BĐS dở dang, ngân hàng có thể khoanh nợ cũ rồi cấp tiếp tín dụng để hoàn thành, bán ra thị trường góp phần giảm tồn kho.
Đặc biệt, với các dự án BĐS đang khó khăn về nguồn vốn, việc đưa ra chuỗi liên kết này đang được nhiều người quan tâm. Đây được xem là nỗ lực nhằm phá “cục máu đông” trên thị trường BĐS. Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng không kỳ vọng vào gói này. Bởi cách đây hơn 2 năm cũng tại trụ sở Tập đoàn Thiên Thanh, BIDV tổ chức giới thiệu gói 4 nhà với cam kết bơm cho những dự án dở dang. Lúc đó nhiều chủ đầu tư rất kỳ vọng sẽ tham gia vào chuỗi liên kết do BIDV đưa ra, nhưng thời gian qua dường như mô hình này cũng chẳng đi đến đâu.
Theo ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB, chuỗi liên kết này không tham vọng tái cấu trúc thị trường BĐS mà cố gắng tạo nguồn tín dụng mới cho các dự án BĐS. Trên cơ sở minh bạch, đơn giản các nhà tham gia sẽ cố gắng hỗ trợ các dự án tiếp tục triển khai. Ngoài ra, hiện nay Thiên Thanh là nhà cung ứng VLXD tham gia vào chương trình này chỉ đứng làm đầu mối trung gian tập hợp các đơn hàng, từ đó kết nối với nhiều nhà cung cấp, sẽ không có tình trạng độc quyền trong cung cấp VLXD.
Tuy nhiên, làm sao để kiểm soát được dòng tiền từ ngân hàng vào dự án? Ông Phạm Trung Tuyển, Trưởng văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, cho biết hiện nhiều dự án BĐS dở dang, chỉ cần bỏ thêm vài trăm tỷ đồng là hoàn thành. Việc cho vay của nhóm 4 nhà sẽ theo phương pháp đối trừ trên hợp đồng khép kín, vừa quản lý được dòng tiền ra, vừa giúp các dự án dở dang có cơ hội tiếp tục triển khai.