Thời gian qua, những thông tin liên tiếp về thực phẩm nhiễm khuẩn, không đạt chất lượng an toàn đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Dường như không có vùng cấm trong việc sử dụng hóa chất độc hại, từ con cá, rau củ đến các loại hoa quả, bánh trái; từ thực phẩm tươi sống đến thực phẩm khô, gia vị… Việc sử dụng những thực phẩm có chứa thành phần độc hại lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, tại TPHCM, hàng loạt cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch đã được đưa vào hoạt động. Theo khảo sát, những cửa hàng thực phẩm sạch này luôn cam kết mang đến người tiêu dùng các loại thực phẩm tươi sống chất lượng nhất, từ rau hữu cơ đến hoa quả, đặc sản vùng miền, các loại thịt chỉ nuôi bằng phương pháp truyền thống (cháo và rau) không sử dụng cám và thức ăn công nghiệp; hay cá sông, hải sản được đánh bắt từ thiên nhiên và bảo quản theo phương thức ủ đá cấp đông không dùng chất bảo quản. Đáng chú ý, tất cả sản phẩm tại cửa hàng đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food luôn thu hút sự quan tâm mua sắm
của người tiêu dùng TPHCM.
của người tiêu dùng TPHCM.
Tiềm năng kinh doanh thực phẩm sạch sớm được các doanh nghiệp bán lẻ nắm bắt. Như Saigon Co.op, với lợi thế trong ngành nên nhanh chóng lên kế hoạch đưa vào hệ thống các sản phẩm an toàn. Đơn cử như ngành hàng rau củ bày bán tại hệ thống này có nguồn gốc rõ ràng, do các đơn vị sản xuất trong nước cung cấp.
Để người dân dễ tiếp cận, nhà bán lẻ này phát triển tiếp mô hình siêu thị mini chuyên doanh thực phẩm tiện lợi Co.op Food vận hành song song với chuỗi siêu thị Co.opmart. Sau hơn 10 năm tham gia thị trường, chuỗi Co.op Food vừa tuyên bố vượt con số 400 khi đồng loạt khai trương thêm 4 điểm bán mới tại Cần Thơ, Bình Dương, Long An và Hà Nội.
Theo thông tin từ nhà bán lẻ Saigon Co.op, thế mạnh chủ lực của chuỗi Co.op Food là các mặt hàng thực phẩm tươi sống được người tiêu dùng ưa chuộng, gồm các loại thịt cá, rau củ quả, trứng sữa, trái cây. Đặc biệt là các phần món ăn sơ chế tẩm ướp sẵn đem đến sự tiện lợi, như canh chua, canh khoai mỡ, canh măng tươi, khổ qua dồn thịt, cá kho tộ, gà kho gừng, cánh gà chiên nước mắm…
Với nguồn hàng thực phẩm hết sức phong phú, được kiểm soát chất lượng tốt, chính sách hậu mãi tương đương siêu thị Co.opmart và đặc biệt là vị trí thuận tiện “bước ra ngõ là gặp”, nên tại TPHCM, chuỗi cửa hàng Co.op Food đã được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Mỗi siêu thị thực phẩm mini Co.op Food thường linh hoạt chọn lọc từ 8.000 đến 10.000 mặt hàng trong danh mục hơn 30.000 mặt hàng của các siêu thị, đại siêu thị thuộc Saigon Co.op để “đo ni đóng giày” cho nhu cầu của từng khu vực.
Ngoài hệ thống của Saigon Co.op kể trên, tại TPHCM còn có hàng loạt các cửa hàng thực phẩm sạch như: cửa hàng rau sạch Organic Farm của Công ty TNHH Green Foods Dalat, cửa hàng thực phẩm hữu cơ Hoa Sữa thuộc Công ty cổ phần Thương mại - Sản xuất Viễn Phú, cửa hàng Đà Lạt GAP Store, cửa hàng Organica, Thế giới nông sản... Điểm chung của các cửa hàng này là đều cung cấp sản phẩm VietGAP, hoặc GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tương tự như TPHCM, đến nay tỉnh Long An đã tổ chức xây dựng được 12 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đồng thời phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM khảo sát, xây dựng, trao 9 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, các chuỗi cung ứng, điểm bán sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh được kiểm soát an toàn theo chuỗi đăng trên website địa chỉ xanh - nông sản sạch của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.
Ở An Giang, theo ông Đoàn Minh Triết, Phó Giám đốc Sở Công thương, tỉnh này đang xây dựng các cửa hàng nông sản an toàn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân địa phương. Theo đó, trên địa bàn tỉnh, hệ thống “Bách hóa Xanh” đã xây dựng và đưa vào hoạt động 20 cửa hàng; Vincommerce cũng đang tổ chức các buổi tiếp xúc tại địa phương để tìm nguồn hàng cho 11 cửa hàng tiện lợi Vinmart+.
Hay ở Bến Tre, Sở Công thương tỉnh đã phối hợp, hỗ trợ một số cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn đi vào hoạt động, tạo nơi cung cấp sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe của người dân. Cụ thể là thí điểm mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn” tại 2 điểm: hộ anh Huỳnh Tấn Phú (thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú); cửa hàng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở KH-CN (số 280 đường 3-2, TP Bến Tre).
Sự ra đời của những cửa hàng thực phẩm sạch này đã phần nào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Qua đó cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng của thực phẩm an toàn ngày càng lan tỏa. Sự hình thành của các cửa hàng nông sản an toàn đã thể hiện nét văn minh thương mại, cung cấp thêm sự lựa chọn và dần định hướng tiêu dùng cũng như chất lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường. Đồng thời, khi hệ thống phân phối được đẩy mạnh phát triển, tức là tạo điều kiện cho sản phẩm an toàn ổn định đầu ra.