Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện phân tích tìm kháng thể
Nhiều mức giá
Sau khi được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, chị Trần Thị Kim Cúc (ngụ quận 7) vẫn lo lắng không biết mình đã có kháng thể SAR-CoV-2 hay chưa. Tìm đến một trung tâm y khoa có dịch vụ xét nghiệm kháng thể, chị được báo mức giá 450.000 đồng. Khác với chị Cúc, anh Nguyễn Văn Út Em (làm nghề shipper, ngụ quận Bình Tân) lại muốn được xét nghiệm kháng thể để chứng minh mình từng mắc Covid-19.
Anh Út Em kể, cuối tháng 7, sau 3 ngày bị ho, sốt, anh tự test nhanh và cho kết quả mắc Covid-19. Do nhiều lần không liên hệ được với y tế phường, anh Út Em tự mua thuốc điều trị tại nhà. May mắn, sau 14 ngày tự điều trị, anh Út Em hoàn toàn hết các triệu chứng và cũng đã âm tính khi thực hiện test nhanh. Được một người bạn mách nước, anh Út Em tìm đến dịch vụ xét nghiệm kháng thể.
“Tôi đã khỏi bệnh hơn 1 tháng rồi nên muốn quay trở lại với công việc, và tôi hy vọng kết quả xét nghiệm kháng thể sẽ giúp tôi được cấp “Thẻ xanh Covid-19”, anh Út Em tâm sự.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, hiện Sở Y tế TPHCM, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm định lượng kháng thể. Có nhiều trường hợp đo kháng thể trong máu cao nhưng vẫn bị mắc bệnh. Nhiều nước trên thế giới cũng không đo kháng thể cho tất cả trường hợp. |
Tại TPHCM, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị tiên phong thực hiện xét nghiệm định lượng kháng thể nhằm phục vụ công tác điều trị Covid-19 cũng như hỗ trợ người dân khi có nhu cầu. TS-BS Trần Thành Vinh, Trưởng khoa Sinh hóa Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, phương pháp này áp dụng cho nhóm đối tượng có nhu cầu xét nghiệm để biết được cơ thể có kháng thể hay không và nếu có sẽ đạt được nồng độ bao nhiêu sau khi tiêm vaccine, từ kết quả đó sẽ đánh giá lại khả năng đáp ứng của cơ thể đối với vaccine. Bên cạnh đó, phương pháp này còn áp dụng cho nhóm đối tượng được bác sĩ chỉ định hay có yêu cầu xét nghiệm khi chẩn đoán nghi ngờ mắc hoặc đã mắc Covid-19, kết quả sẽ hỗ trợ chẩn đoán xem cơ thể có kháng thể nhiều hay ít và qua đó biết được đáp ứng sinh kháng thể của người bệnh.
Nhiều phòng khám, cơ sở y tế khác trên địa bàn thành phố hiện cũng mở dịch vụ xét nghiệm kháng thể phục vụ nhu cầu người dân. Liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức, chúng tôi được giới thiệu dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể bằng hệ thống máy Cobas Roche C6000, thời gian thực hiện trong vòng 60 phút, với mức giá 450.000 đồng/người thực hiện tại bệnh viện (chưa tính chi phí test nhanh sàng lọc).
Còn với dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, bệnh viện này báo giá 1,2 triệu đồng/khách lẻ và 600.000 đồng/người đối với khách đoàn (50-60 người). Phòng khám Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn nhận dịch vụ xét nghiệm kháng thể đối với người từng mắc Covid-19 sau 7-15 ngày và người tiêm vaccine Covid-19 sau 14-28 ngày. Cụ thể, nếu khách hàng đến xét nghiệm tại phòng khám thì có giá 475.000 đồng/người, trong khi đó nếu sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà thì mỗi khách hàng phải chi trả 1.367.000 đồng.
Chưa thực sự cần thiết!
Theo Th.S-BS Nguyễn Hiền Minh, giảng viên bộ môn Miễn dịch sinh lý - Sinh lý bệnh, Đại học Y Dược TPHCM, Phó Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, sau khi mắc bệnh tự nhiên hoặc tiêm vaccine Covid-19, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản xuất ra kháng thể. Các xét nghiệm kháng thể liên quan đến virus SARS-CoV-2 được các nhà nghiên cứu quan tâm bao gồm: xét nghiệm kháng thể gắn kết kháng nguyên và xét nghiệm kháng thể trung hòa.
Hiện nay chưa phải là lúc để có thể chắc chắn về mối tương quan của mức đáp ứng kháng thể với sinh miễn dịch của cơ thể với bệnh Covid-19; và không phải phòng xét nghiệm dịch vụ nào cũng có đủ năng lực chuyên môn và máy móc thực hiện các dạng xét nghiệm kháng thể như trên. Việc xét nghiệm kháng thể hiện nay là không cần thiết, bởi dù có kháng thể sau khi khỏi bệnh không có nghĩa là được bảo vệ vĩnh viễn và vẫn cần tiêm vaccine.
“Việc hiểu sai xét nghiệm kháng thể Covid-19 trong máu có thể khiến mọi người coi thường các biện pháp phòng ngừa, đồng thời đưa ra kết luận không đúng về hiệu quả của vaccine. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc từ chối tiêm chủng của những người khác, cuối cùng làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh”, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh nói.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng, người dân cần bình tĩnh chờ hướng dẫn của ngành y tế, không nên tự ý đi xét nghiệm kháng thể vì có thể gây lãng phí. Ngành y tế chỉ nên thực hiện xét nghiệm kháng thể trong trường hợp cần chứng minh người đã từng mắc Covid-19.
Liên quan đến việc xét nghiệm kháng thể để chứng minh là F0 khỏi bệnh hoặc đã tiêm vaccine, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, xét nghiệm kháng thể vô cùng phức tạp. Các test thương mại trên thị trường là xét nghiệm kháng thể chung; trong khi kháng thể bảo vệ không bị mắc bệnh là kháng thể trung hòa, ngăn chặn trực tiếp protein gai trên virus. Do đó, việc đo kháng thể để xác định có khả năng bảo vệ hay không hiện nay chỉ mang tính chất tương đối.
“Không phải xét nghiệm nào hiện có trên thị trường đều có thể đo được kháng thể này”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định.