Nở rộ dự án đầu tư sản xuất gỗ MDF

Đầu tư vào sản xuất ván nhân tạo (MDF) là xu hướng phát triển tất yếu khi nguồn gỗ tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt.

Đầu tư vào sản xuất ván nhân tạo (MDF) là xu hướng phát triển tất yếu khi nguồn gỗ tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt.

Tuần qua, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Dongwha đã khánh thành Nhà máy Sản xuất gỗ, ván sợi nhân tạo MDF VRG Dongwha tại Khu công nghiệp Minh Hưng (huyện Chơn Thành, Bình Phước) sau 2 năm xây dựng.

Đây là một trong những liên doanh lớn nhất giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và Tập đoàn Dongwha (Hàn Quốc - một tập đoàn có danh tiếng và thương hiệu mạnh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chế biến gỗ nhân tạo của khu vực châu Á và trên thế giới).

Được xây dựng trên diện tích hơn 38 ha, Nhà máy MDF VRG Dongwha có công suất 300.000 m3/năm, giá trị đầu tư 116 triệu USD (tương đương 2.320 tỷ đồng). Đây là nhà máy có công suất lớn nhất châu Á hiện nay, với máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ sản xuất châu Âu.

Ông Lê Minh Châu, Phó tổng giám đốc VRG, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Dongwha cho biết, việc xây dựng Nhà máy MDF VRG Dongwha nằm trong chiến lược phát triển sản xuất, chế biến gỗ của VRG.

Sản phẩm chính của Nhà máy là ván sợi nhân tạo MDF (còn gọi ván ép bột sợi do thành phần chính là bột sợi gỗ cùng chất kết dính, các chất độn và chống ẩm mốc, mối mọt), đặc biệt là ván sợi loại mỏng mà các nhà máy chế biến gỗ MDF khác của Việt Nam chưa sản xuất được.

Với công suất 300.000 m3/năm, Nhà máy có thể tiêu thụ một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn, góp phần giải quyết đầu ra cho những cánh rừng nhân tạo (từ các nguồn gỗ keo, tràm, bạch đàn, gỗ thông, gỗ tạp và cành nhánh cao su). Đặc biệt, Nhà máy sẽ tạo việc làm cho 300 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động trong lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy.

Qua 2 tháng sản xuất thử nghiệm, Nhà máy đã đạt 80% công suất thiết kế. Dự kiến, doanh thu năm 2012 của Nhà máy đạt 900 tỷ đồng, sang các năm sau sẽ đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa, nhưng dự kiến, đến năm 2015, khi công suất chế biến được nâng lên 500.000 m3/năm, thì việc xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Đông sẽ được đẩy mạnh.

Trước đó, Công ty TNHH Vina Eco Board (VECO), một liên doanh giữa Công ty Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty Sumitomo (Singapore) cũng bắt đầu đưa vào hoạt động Nhà máy Sản xuất gỗ nhân tạo VECO tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh (huyện Bến Lức, Long An).

Nhà máy VECO được xây dựng trên khu đất rộng hơn 20 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD, có công suất 250.000 m3/năm. Nguyên liệu chính cho Nhà máy là các loại gỗ tràm, bạch đàn, cây ăn trái và gỗ phế thải từ các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

“Việt Nam sở hữu nguồn gỗ tự nhiên và rừng cây lớn. Đặc biệt, tỉnh Long An có một rừng tràm phong phú, là nguyên liệu chính cho nhà máy của chúng tôi”, ông Soichiro Kitamura, Giám đốc điều hành của VECO nói và cho biết, khoảng 50% sản phẩm của Nhà máy VECO sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Không chỉ các công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài mới đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất ván gỗ MDF, mà các công ty trong nước cũng đầu tư  mạnh vào lĩnh vực này. Đầu tháng 8, tại Khu công nghiệp Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Công ty cổ phần MDF Ý Mỹ (tỉnh Đồng Nai) khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất ván nhân tạo MDF, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I có công suất 120.000 m3/năm và giai đoạn II nâng công suất lên gấp đôi, đạt 240.000 m3/năm.

Như vậy, có thể thấy, khi nguồn gỗ khai thác từ rừng tự nhiên ngày càng cạn kiệt, thì việc sản xuất ván nhân tạo MDF càng nở rộ. Để ngành công nghiệp sản xuất gỗ MDF phát triển bền vững, cạnh tranh với sản phẩm ngoại, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần có chiến lược quy hoạch, phân khúc vùng, miền để quyết định cấp giấy phép xây dựng nhà máy sao cho phù hợp, tránh việc cấp giấy phép ồ ạt.

Chiến lược đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề cần được tính toán kỹ. Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, nhưng doanh nghiệp chủ yếu làm gia công theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu nước ngoài, với phân khúc trung bình và cao cấp làm từ nguyên liệu gỗ tốt.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, doanh nghiệp chưa tính đến yếu tố rủi ro từ việc cạnh tranh rất mạnh của hàng Trung Quốc, với sản phẩm làm từ nguyên liệu gỗ MDF, gỗ tạp có giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp.

Các tin khác