Các nhà băng như Industrial & Commercial Bank of China Ltd (ICBC), ngân hàng lớn nhất thế giới xét theo tổng tài sản, đang cảm thấy áp lực từ nhiều phía: Một mặt hoạt động kinh doanh bị kìm kẹp bởi sự bùng phát của dịch bệnh tại Trung Quốc nói riêng và trên thế giới nói chung; mặt khác, chính quyền Trung Quốc Ðại lục đang thúc giục các nhà băng cần có biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giải cứu doanh nghiệp và người dân khỏi tác động của dịch bệnh.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang đối diện với khả năng tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 4 thập kỷ qua, khiến triển vọng phát triển của các doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng không lấy làm tươi sáng.
Chất lượng tài sản, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), vốn dự phòng và khả năng gia tăng khách hàng mới của các nhà băng đều gặp khó khăn khi nền kinh tế Trung Quốc ngưng trệ vì dịch bệnh kể từ đầu năm tới nay, theo nhận định của lãnh đạo một nhà băng lớn Trung Quốc.
Lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc, hiện có quy mô 41.000 tỷ USD, lớn gấp đôi khu vực này tại Mỹ, đang chứng kiến việc phải liên tục bơm tiền ra thị trường, các khoản nợ xấu tăng lên, phải tái cơ cấu nợ để giúp hàng triệu doanh nghiệp có thể tồn tại.
“Hệ thống ngân hàng Ðại lục đang phải giải bài toán chất lượng tài sản kể từ năm 2019, giờ lại tiếp tục vật lộn với những khó khăn. Tình thế này không hề dễ chịu, nhất là với các nhà băng đang niêm yết”, Logan Wright, Giám đốc hãng nghiên cứu Rhodium Group LLC nhận định.
Trong khi đó, các chiến lược gia tại UBS Group AG dự báo, ngành ngân hàng Trung Quốc sẽ chứng kiến lợi nhuận sụt giảm ở mức chưa từng có trước đây, với mức giảm lên tới 39% trong năm nay, ngay cả khi chính phủ nước này nới lỏng các quy định về nợ xấu. Ðáng chú ý, trong kịch bản xấu nhất, lợi nhuận có thể giảm tới 70%.
Trong tuần trước, một số nhà băng lớn nhất, bao gồm ICBC, đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận tăng trưởng khoảng 5%, ngay cả khi nền kinh tế chịu áp lực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chính quyền Bắc Kinh thắt chặt các quy định sử dụng đòn bẩy tài chính.
Ðáng chú ý, khoản dự phòng nợ xấu của ICBC đã tăng lên mức 479 tỷ nhân dân tệ (khoảng 67 tỷ USD) trong năm 2019, tăng 70% trong 4 năm qua.
Báo cáo mới nhất của S&P Global ước tính, tình trạng dịch bệnh hiện nay có thể khiến tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc tăng gấp 3 lần lên khoảng 6,3%, tương đương tăng thêm khoảng 5.600 tỷ nhân dân tệ.
Hiện tại, Trung Quốc đã nới lỏng một số quy định về tiêu chuẩn xếp hạng nợ xấu, xem đó là một trong những giải pháp giải quyết khủng hoảng kinh tế.
Do đó, S&P Global nhận định, các khoản nợ “đáng nghi vấn” tại quốc gia này có thể đạt đỉnh 11,5% tổng nợ sau khi đại dịch kết thúc.
“Hệ thống ngân hàng Trung Quốc chưa từng chứng kiến tốc độ tăng trưởng âm trong nhiều năm qua khi vẫn có thể xoay sở để duy trì tăng trưởng ở mức 2% trong những giai đoạn khó khăn như giai đoạn 2015-2016, nhưng tình hình đã thay đổi”, May Yan, chiến lược gia tại UBS Hồng Kông đánh giá.
Trước tình hình khó khăn, Chủ tịch ICBC Gu Shu cho biết, chất lượng tài sản của các nhà băng sẽ còn giảm xuống khi cả tiêu dùng và xuất khẩu đều tổn thương vì đại dịch, khiến nền kinh tế chịu cú sốc lớn.
Hou Weidong, Phó chủ tịch Bank of Communications Co thì cho rằng, toàn bộ hệ thống ngân hàng đều sẽ chịu thiệt hại, trong khi Bank of China Ltd thông báo, Ngân hàng sẽ khởi động kế hoạch nâng vốn mới để duy trì sức mạnh hoạt động.
Ðáng chú ý, với việc chất lượng tài sản và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận đi xuống, các thành viên thị trường bắt đầu lo ngại sẽ có nhiều ngân hàng địa phương đối diện thách thức “sinh tồn”, nhất là khi đã có ít nhất 3 nhà băng được chính phủ giải cứu trong năm ngoái.
Các báo cáo cho thấy, sau “bài kiểm tra áp lực” trong năm 2019 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ và điều kiện hoạt động bị thắt chặt, 17 trong số 30 nhà băng lớn nhất Trung Quốc sẽ không thể vượt qua nếu tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 4,15%.
Trong khi đó, các tổ chức kinh tế đang dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm nay vào khoảng 2,9%.