Nỗi ám ảnh người tị nạn tại EU

(ĐTTCO) - Mặc dù số người di cư đến Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mạnh thời gian qua, nhưng châu Âu vẫn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị về làn sóng người di cư và tị nạn từ châu Phi và Trung Đông.
 Trong những tháng gần đây, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã kêu gọi cách tiếp cận mang tính dự báo và khu vực để giải cứu và cho phép người di cư lên bờ tại Địa Trung Hải.
Liên hợp quốc mới đây cảnh báo dù số lượng người di cư và tị nạn qua Địa Trung Hải vào châu Âu giảm, nhưng nguy cơ tử nạn trong hành trình đầy nguy hiểm này vẫn tăng lên đáng kể. Theo UNHCR, trong 7 tháng đầu năm, ước tính hơn 58.000 người tị nạn và di cư đã đến được bờ biển châu Âu sau khi vượt qua biển Địa Trung Hải, ít hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số người lựa chọn tuyến đường Địa Trung Hải đến Italia giảm từ hơn 95.000 người trong 7 tháng năm ngoái xuống còn 18.500 người. Tuy nhiên tỷ lệ người thiệt mạng trên biển tăng mạnh. Trong 7 tháng đầu năm nay, gần 1.600 người đã tử nạn trong hành trình đầy nguy hiểm trên. Trong số này, 1.200 người đã thiệt mạng dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải, bằng một nửa so với con số năm ngoái khi số người di cư đến Italia cao gấp 5 lần hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 18 người thực hiện hành trình, thì có 1 người thiệt mạng, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1 trên 42 người cùng kỳ năm ngoái.
Nỗi ám ảnh người tị nạn tại EU ảnh 1 Một tàu tị nạn tại bờ biển châu Âu sau khi vượt qua biển Địa Trung Hải. 
Người đứng đầu các chiến dịch của châu Âu trong UNHCR Pascale Moreau nhấn mạnh báo cáo này một lần nữa chứng minh Địa Trung Hải là một trong những tuyến đường vượt biển “chết chóc” nhất. Theo ông, trong bối cảnh số người đến châu Âu bằng đường biển giảm đi, đây không còn là vấn đề có thể kiểm soát được lượng người di cư hay không, mà liệu khu vực này có thể tập trung nỗ lực nhân đạo để cứu thêm nhiều người hay không.
“Vấn đề di cư vẫn là thách thức lớn nhất trong bối cảnh số người nhập cư vào EU đã giảm song chủ nghĩa dân túy đang gia tăng và ngày càng nhiều chính trị gia theo đuổi chủ trương bài người nhập cư đối với EU” - GS. Stefan Lehne của tổ chức Carnegie Europe nhận định. Ông Lehne đưa ra dẫn chứng, chính phủ dân túy của Italia đã cam kết chấm dứt tiếp nhận người di cư được giải cứu ngoài khơi Libya, trong khi Malta liên tiếp đóng cảng đối với tàu cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ đi qua Địa Trung Hải.
Tại Tây Ban Nha, quốc gia mở cảng tiếp nhận các tàu cứu hộ người di cư của những tổ chức từ thiện bị Italia chặn lại trước đó, đã chứng kiến số lượng người đến đây tăng gấp đôi trong 7 tháng, lên 27.600 người.
Báo chí châu Âu cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giành được sự ủng hộ để mở cửa nước Đức cho hàng ngàn người tị nạn, phần lớn đến từ Syria và Iraq. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, hình ảnh những người biểu tình bài người nhập cư đuổi đánh những người nước ngoài tại một thành phố của Đức đã khiến thế giới nhận ra cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu chưa kết thúc.
Chỉ vài tháng nữa, nước Anh sẽ rời khỏi EU (Brexit), bên cạnh các đảng cực hữu đang cầm quyền tại Italia và Áo, trong khi tại Đức, đảng cực hữu AfD đã trở thành đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội nước này. Theo các nhà phân tích, nếu có một điểm chung cho những sự chuyển dịch trong các nền chính trị châu Âu đó là cuộc khủng hoảng người di cư đã bị lực lượng ủng hộ Brexit và các lực lượng cực hữu trên toàn châu Âu lợi dụng trong các chiến dịch truyền thông của mình.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Die Welt, nhà nghiên cứu chính trị người Bulgaria Ivan Krastev nhận định: “10 năm trước, vấn đề lớn nhất ở châu Âu là các nước Tây Âu không vui về việc mở rộng EU vì lo ngại sẽ mất việc làm. Ngày nay, các nước Tây Âu cảm thấy họ là những người thua thiệt nhiều nhất”. 

Các tin khác