Giá dầu tiếp tục leo thang và chạm mức cao mới của 9 tháng nhờ các dấu hiệu tích cực về nhu cầu trong khi nỗi lo nguồn cung ngày càng lớn do căng thẳng giữa Iran và phương Tây.
![]() |
Bộ Lao động Hoa Kỳ hôm qua cho biết, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước là 351.000 – thấp nhất kể từ tháng 3/2008 và thấp hơn 4.000 so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Đây cũng là tuần thứ 4 liên tiếp báo cáo lao động của Hoa Kỳ tốt hơn kỳ vọng, cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đang diễn biến “không tệ” như mọi người vẫn nghĩ.
Niềm tin kinh doanh ở Đức (dựa trên chỉ số môi trường kinh doanh được khảo sát đối với 7.000 giám đốc điều hành) đã lên 109,6 điểm trong tháng 2, từ mức 108,3 điểm ở tháng 1 và cao hơn dự báo 108,8 điểm của thị trường, đã làm giảm mối lo nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể bị ảnh hưởng bởi suy thoái khu vực.
Đóng cửa phiên 23-2, giá dầu WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex tăng 1,55 USD lên 107,83 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 4-5-2011. Giá dầu Brent cùng kỳ hạn trên sàn ICE tăng 72 cent lên 123,62 USD/thùng.
Trong năm nay, giá dầu đã tăng 9,1% bởi kỳ vọng Hy Lạp cuối cùng cũng được cứu và ngăn chặn khả năng lây lan sang các nước thành viên Eurozone khác. Những căng thẳng leo thang giữa Iran và phương Tây đe dọa nguồn cung ở Vịnh Ba Tư làm tăng thêm sức nóng cho thị trường.
Đầu tuần này, Iran – nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trong khu vực OPEC chỉ sau Saudi Arabia tuyên bố ngưng bán dầu cho các công ty của Anh và Pháp nhằm trả đũa cho lệnh cấm vận của EU đối với Iran sau 4 tháng nữa. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm qua cảnh báo, nếu châu Âu không tìm kiếm được nguồn cung thay thế sớm thì thế giới sẽ đối mặt với giá dầu đắt hơn 20 – 30% so với hiện tại.