Nóng giá điện, bức xúc vì gian lận thi cử

(ĐTTCO) - Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 30-5, một lần nữa, những vấn đề liên quan đến giá điện tăng, gian lận thi cử tiếp tục trở thành chủ đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập.

Nhanh chóng công bố kết quả thanh tra giá điện
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bộ Công thương đã có tờ trình về điều hành giá điện, xăng dầu dài 20 trang và một số trang phụ lục với rất nhiều con số lập luận để khẳng định bộ làm đúng. Liên hệ với lĩnh vực mình đang làm việc, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: Dù phác đồ đúng mà bệnh nhân của mình không tốt lên thì tôi vẫn phải xem xét vì nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng triển khai sai ở mắt xích nào đấy; lúc này phải dừng lại suy xét, chứ không bảo thủ, duy ý chí, che đậy sai lầm. Vì vậy, với giá điện tăng, khi nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công thương cần nghiêm khắc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền trong thời gian qua trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu. Phải chăng nguồn gốc sâu xa do sự độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong truyền tải, mua bán điện?
Nóng giá điện, bức xúc vì gian lận thi cử ảnh 1 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh:  TTXVN 
Vấn đề giá điện tăng cũng nhận được sự quan tâm của các ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận). Theo ĐB Nguyễn Thị Phúc, nhiều cử tri cho rằng, thời điểm tăng giá điện không phù hợp. Dù đồng ý với giải thích của Chính phủ là việc này đã được tính toán và nằm trong lộ trình, nhưng đề nghị “sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện, có đúng quy định không, nếu sai thì xử lý thế nào”.
Nhấn mạnh việc tăng giá điện sẽ gây tăng giá các mặt hàng khác, gây bức xúc cho nhân dân, ĐB Nguyễn Thị Phúc đề nghị Chính phủ có giải pháp tránh “Té nước theo mưa”, kiểm soát việc kê khai giá của doanh nghiệp… để có biện pháp tổng thể trước biến động thị trường. 
Còn theo ĐB Nguyễn Quốc Hận, Chính phủ nói đã xem xét điều chỉnh giá điện đúng quy định nhưng cử tri quan tâm không phải là đúng quy định hay không vì “Chính phủ điều hành không thể không đúng”. Điều người dân quan tâm là Chính phủ dự báo ra sao về việc tăng giá điện ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đến nhân dân vì sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, từ đó tăng giá thành sản xuất, giá bán sản phẩm, ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Trong khi lương cán bộ -  công nhân viên chức không tăng nhưng các mặt hàng thiết yếu (như xăng dầu, điện, viện phí…) đều tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân và mục tiêu kiềm chế lạm phát. Do vậy, kiến nghị kinh doanh điện thuộc đối tượng của Kiểm toán Nhà nước. 
Nóng giá điện, bức xúc vì gian lận thi cử ảnh 2 Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang phát biểu
Ảnh: TTXVN 
ĐB Nguyễn Sỹ Cương cũng bày tỏ, việc tăng giá điện vào thời điểm tháng 3 và cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà ngành điện lấy thời điểm chuyển mùa để tăng giá vì cứ tăng xong thì “đổ do thời tiết để đỡ giải thích nhiều”. Những so sánh về đầu ra thấp mà không so sánh đầu vào là khập khiễng, nhất là trong khi thu nhập bình quân đầu người thấp, ngành điện được Nhà nước ưu đãi đủ thứ.
Một số nước cứ nắng nóng là giảm giá điện để người dân bớt khó khăn thì không so sánh. Cứ nói tăng giá điện các bên đều lợi “nhưng thực tế người tiêu dùng lợi đâu chẳng thấy mà răng chẳng còn”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói và đề nghị công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về giá điện để cho thấy bức tranh đầy đủ của một doanh nghiệp độc quyền như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
EVN sớm trình Chính phủ sửa đổi biểu giá điện
Được mời giải trình một số vấn đề ĐB quan tâm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cung cấp thêm thông tin về nguyên nhân và thời điểm tăng giá điện, biểu giá điện và việc kiểm soát chi phí của EVN. Theo Phó Thủ tướng, tổng chi phí đầu vào của ngành điện năm 2019 tăng thêm khoảng 20.032 tỷ đồng.
Trong đó, điều chỉnh giá than 2 đợt với khoản tiền 5.412 tỷ đồng; điều chỉnh giá than trộn vào than nhập khẩu là 1.920 tỷ đồng; tăng giá khí trong bao tiêu 5.852 tỷ đồng; điều chỉnh giá khí trên bao tiêu 600 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá 5.042 tỷ đồng. Để đảm bảo bù đắp chi phí tăng thêm và lợi nhuận tối thiểu cho EVN là 3%, doanh nghiệp này và Bộ Công thương đã đề xuất 3 phương án tăng giá là 7,31%; 8,36% và 9,26%.
Thường trực Chính phủ đã xem xét rất kỹ và chọn phương án 8,36%. Về thời điểm điều chỉnh giá điện ngày 20-3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, CPI hàng năm thường tăng mạnh trong tháng 1 và 2, sau đó giảm trong tháng 3. Thực tế trong 10 lần điều chỉnh tăng giá điện thì đã có 4 lần trong tháng 3. Nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác - như tháng 7 chẳng hạn, thì tỷ lệ phải cao hơn để bù đắp được khoản 20.000 tỷ đồng.
Vẫn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương, các bộ ngành phối hợp EVN tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng, minh bạch chi phí đầu vào. Theo tính toán, hao hụt điện năng năm 2018 đạt 6,83%, giảm được 0,37% so với mục tiêu 2020 của Chính phủ.
Chính phủ cũng yêu cầu EVN giảm 7% chi phí thường xuyên hàng năm. Riêng biểu giá điện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và EVN sớm trình Chính phủ sửa đổi biểu giá hợp lý hơn, vừa bảo vệ người thu nhập thấp, vừa phù hợp với nhu cầu dùng điện ngày càng tăng cao, đặc biệt tính đến số người dân dùng trên 200 kWh/tháng đang tăng lên. Thanh tra Chính phủ sẽ sớm công bố kết quả thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm của EVN, nếu có.
Gian lận thi cử gây mất niềm tin vào giáo dục
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, mỗi năm một lần, Bộ GD-ĐT thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT, nhưng càng cải cách kết quả càng kém hơn, nhiều tiêu cực bị phát hiện hơn. Ba năm qua, Bộ GD-ĐT chưa có tập huấn, chỉ đạo các tỉnh về kẽ hở của khâu chấm thi, không có biện pháp ngăn chặn, phần mềm chấm môn tự luận lỏng lẻo, bài thi trắc nghiệm không rọc phách, dùng bút chì để khoanh.
Bộ không đánh giá về kết quả thi hàng năm của các tỉnh, thành phố, tỷ lệ điểm… Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân. Chúng ta cứ nói đã bàn về triết lý giáo dục nhưng trước mắt chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản, nhưng cần thiết lúc này. Đó là một nền giáo dục không nói dối.
ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cũng xoáy sâu vào những tiêu cực, bất cập trong thi cử và khuyến nghị: Ngành giáo dục cần mạnh dạn đối diện với sự thật, xem lại thực chất, hiệu quả của việc nhập 2 kỳ thi, phương pháp đánh giá… Nếu như tiêu cực trước đây nhỏ lẻ, thì nay đã trở thành gian lận có tổ chức, do những người có chức, có quyền tiến hành với thủ đoạn tinh vi và vô liêm sỉ, cướp đi cơ hội của các học sinh học thật, thi thật. Những người có trách nhiệm phải suy nghĩ và hành động mới có thể cứu vãn nền giáo dục nước nhà. 
Trong lĩnh vực môi trường, ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) quan ngại về tình trạng ô nhiễm xuyên biên giới phát sinh từ một số dự án của Trung Quốc xây dựng ở đầu nguồn nhiều sông suối chảy vào lãnh thổ nước ta, tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của nhân dân. Ông cũng lưu ý đến việc vận hành hồ thủy điện của Trung Quốc và đề nghị Chính phủ có các biện pháp đàm phán, ký kết các văn bản pháp lý phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ LÊ VĨNH TÂN: Nhiều tỉnh sáp nhập huyện xã, giảm cơ quan chuyên môn
Chiều 30-5, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay các tỉnh, thành đang lập đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, trong đó bên cạnh sắp xếp các đơn vị hành chính không đủ 50% tiêu chuẩn về diện tích, dân số theo quy định, một số tỉnh còn khuyến khích sắp xếp thêm.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng biện pháp cụ thể nhằm giúp các địa phương sắp xếp số lượng lớn cán bộ dôi dư, nhất là cán bộ lãnh đạo. Đối với việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, “nguyên tắc là sau sắp xếp số cơ quan không nhiều hơn hiện có và chia theo nhóm cơ quan thống nhất chung, cơ quan sắp xếp cho phù hợp, cơ quan thực hiện thí điểm và nhóm đặc thù.
Khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa giao HĐND tỉnh quyết định”. Việc sắp xếp theo định hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương là vấn đề mới, phức tạp nên Chính phủ đã có nhiều cuộc họp. Để tạo sự đồng thuận giữa bộ, ngành trung ương, Chính phủ sẽ thảo luận và cho ý kiến việc sắp xếp đơn vị cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, huyện tại cuộc họp thường kỳ vào chiều 31-5.
ĐB NGUYỄN QUỐC HẬN (Cà Mau): Thu hồi tài sản tham nhũng là rất quan trọng
Trong điều kiện kinh tế - xã hội của ta còn khó khăn, nhiều công trình hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui làm thất thoát hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng. Vì thế, ngoài chế tài nặng, nội dung thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao, tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bố chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời.
ĐB NGUYỄN TRƯỜNG GIANG (Đắk Nông): Xử lý nghiêm tiêu cực trong cổ phần hóa
Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa thoái vốn, gây bức xúc dư luận. Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn và có hình thức xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cổ phần hóa cũng như lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.

Các tin khác