Trong khi phân khúc cao cấp và văn phòng cho thuê đang vật lộn với viễn cảnh không mấy tươi sáng trong năm 2012 bởi người mua hờ hững, phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp lại gây chú ý khi được sự hậu thuẫn lớn của Nhà nước và nhu cầu người dân rất cao nhưng vẫn không “hoàn thành nhiệm vụ”.
Giá nhà không thấp
Với một dự án nhà ở đầu tiên chính thức bàn giao và khá nhiều dự án nhận hồ sơ đăng ký mua, nhà cho người thu nhập thấp đã tạo kỳ vọng cho người dân đô thị về sự “thoát xác” trong năm 2011.
Tuy nhiên, sự kỳ vọng này không như mong đợi khi chỉ sau một thời gian ngắn, từ chỗ tranh giành suất mua, người dân đã lũ lượt “tháo chạy” khỏi các dự án vì giá quá cao. Và càng về sau, các dự án nhà cho người thu nhập thấp càng đìu hiu, thậm chí có dự án gia hạn nộp hồ sơ đến 6 lần vẫn không thể bán hết.
Với mức giá trung bình từ 11-13 triệu đồng/m2, diện tích 50-90m2, một căn hộ “cho người thu nhập thấp” cũng có giá ngót nghét 1 tỷ đồng, vượt quá khả năng của đối tượng loại hình nhà ở này hướng tới.
Chưa hết, tiến độ đóng tiền tại các dự án này rất gấp gáp, tăng gánh nặng cho những hộ “may mắn” được suất mua nhà.
Không chỉ người dân thất vọng, các doanh nghiệp cũng lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì đã đầu tư nhưng không có khách. Cách đây chưa lâu, TP Hà Nội có “trần tình” về việc giá nhà cho người thu nhập thấp cao không kém nhà ở thương mại.
Theo Hà Nội, nguyên nhân nằm ở nguồn vốn quá eo hẹp. Mặt khác, do các cơ quan chức năng không có mô hình, quy chuẩn nào cho loại hình nhà ở này, khiến các doanh nghiệp “tự tung tự tác”, dẫn đến mức giá chênh lệch đến phi lý.
Không thể phủ nhận nguồn vốn đã trở thành một cản trở không nhỏ đối với doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án. Tuy nhiên, với một chương trình được chuẩn bị kỹ và được đặt nhiều kỳ vọng, những lý do này không làm người dân hài lòng.
Cần chính sách đột phá
Năm 2008, khi đề xuất chương trình phát triển nhà cho người có thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ trong 2 năm 2009, 2010 huy động 6.000 tỷ đồng từ chủ đầu tư thuộc các thành phần kinh tế theo nguyên tắc xã hội hóa để đầu tư vào 189 dự án với quy mô 166.390 căn hộ, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 700.000 người.
Thực tế, trong 2 năm 2009 và 2010, các doanh nghiệp cả nước đã đăng ký đầu tư 150 dự án với 152.372 căn hộ, tổng vốn đầu tư 22.738 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, tính đến nay, số lượng dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được khởi công và bàn giao ít hơn nhiều so với kế hoạch, cả nước chỉ có 39 dự án mới khởi công (đạt 26% so với dự kiến), trong đó đã hoàn thành hơn 1.700 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 6.800 người (chỉ đạt 1% kế hoạch).
![]() |
Nếu không có chính sách đột phá, người thu nhập thấp khó có cơ hội mua nhà. |
Để chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp diễn ra đúng hướng, Bộ Xây dựng cho biết chắc chắn sẽ có những giải pháp chấn chỉnh trong năm 2012. Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế pháp lý, cân đối cung - cầu nhà ở cho những người có khả năng chi trả.
Mặt khác, Bộ sẽ vạch ra chiến lược phát triển nhà ở xã hội, pháp lệnh hóa từ trung ương xuống địa phương cho từng đối tượng của loại hình nhà ở này. Những khẳng định đầy lạc quan này một lần nữa nhen lên ngọn lửa hy vọng về một chốn an cư cho nhiều người dân đô thị.
Dù vậy, vẫn không ít người nghi ngờ bởi cho đến nay, vấn đề cốt lõi nhất là nguồn vốn cho doanh nghiệp chưa tìm được lời giải: Ngân hàng Phát triển Việt Nam vẫn rất khắt khe trong việc rót vốn, quỹ tiết kiệm nhà ở cũng mới chỉ dừng lại ở mức dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ, thị trường đóng băng, người dân không tiếp cận được nguồn vốn vay để mua nhà…
Mặt khác, quy định chỉ người có hộ khẩu tại TP Hà Nội mới được mua nhà đã khiến lượng khách hàng ngày càng hạn hẹp.
Theo các chuyên gia BĐS, để có bước đột phá trong lĩnh vực phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, trong năm nay Bộ Xây dựng cần có những động thái dứt khoát, những chính sách mang tính bước ngoặt.
Theo đà hồi phục của nền kinh tế, thị trường BĐS sẽ có sự khởi sắc, nhưng với phân khúc nhà cho người thu nhập thấp, nếu không nhanh chóng tìm ra hướng đi mới, mùa xuân vẫn còn xa.