Khi Giáng sinh đến gần, nhiều người Mỹ lo ngại về việc trì hoãn kéo dài tại các cảng của Hoa Kỳ, đặc biệt là ở bờ Tây, đang gây ra sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ và có thể khiến nhiều món quà không đến kịp vào dịp lễ.
Tuy nhiên, nhiều nông dân Mỹ đang phải đối mặt với điều ngược lại của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đó - họ gặp khó khăn trong việc đưa hàng hóa của họ ra khỏi đất nước cho người mua ở nước ngoài.
"Đó là sự thiệt hại giá trị hàng triệu đô-la", Hạ nghị sĩ Dusty Johnson, R-S.D., nhà tài trợ chính của Đạo luật Cải cách Vận tải biển, nói với FOX Business.
Trong số các điều khoản trong dự luật, Johnson cho biết điều quan trọng nhất liên quan đến việc các hãng vận tải biển châu Á đã "phân biệt đối xử đối với hàng hóa Mỹ." Ông nói rằng họ dỡ hàng hóa nước ngoài tại các cảng của Hoa Kỳ, sau đó nhanh chóng quay trở lại châu Á để mang thêm nhiều hàng hóa quay về bán cho Hoa Kỳ, thay vì dành thời gian chất đầy hàng hóa của Mỹ để bán ra nước ngoài.
Johnson nói: "Hãy nhìn vào Valley Queen, họ là một nhà sản xuất pho mát ở Nam Dakota. Họ có 2 triệu pound (hơn 900.000 kg) lactose đang nằm trong nhà kho chỉ chờ chuyến hàng. Gần đây họ bán được một thùng lactose, và nó đã nằm im trên cảng 75 ngày. Nó bắt đầu hư hỏng. Chỉ với một chuyến container mà đã lỗ 25.000 đô la. Và chúng tôi đã để điều này xảy ra trong toàn bộ chuỗi cung ứng nông nghiệp và sản xuất của Mỹ.”
Johnson cũng kể chi tiết câu chuyện của một nhà sản xuất thịt lợn ở Iowa, người nói với Quốc hội rằng họ đang thua lỗ một khoản tiền lớn vì sản phẩm của họ buộc phải nằm im trên cảng trong một thời gian dài và cuối cùng phải sử dụng biện pháp đông lạnh.
"Người châu Á thích thịt lợn ướp lạnh. Họ không thích thịt lợn đông lạnh. Chúng tôi vận chuyển một lượng lớn thịt lợn đến đó, nhưng khi nó phải nằm im trên cảng nhiều ngày, để giữ cho nó không bị hư, chúng tôi buộc phải đông lạnh nó. Và điều đó loại bỏ phí bảo hiểm trị giá hàng triệu đô la mà người châu Á sẵn sàng trả,” Johnson nói.
Vấn đề này tồn tại rộng rãi trong ngành nông nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là ở các bang dựa vào các cảng bờ Tây để vận chuyển hàng hóa. Chủ tịch một hiệp hội nông nghiệp ở California nói với hãng tin AP rằng 80% chuyến hàng ra nước ngoài đã bị hủy trong tháng 10.