Nông sản tiếp tục được kỳ vọng là 'ngòi nổ' xuất khẩu 2024

(ĐTTCO) - Xuất khẩu của Việt Nam đi qua năm 2023 với nhiều gam trầm khi sức mua toàn cầu suy giảm. Dự báo bước qua năm 2024 nhiều ngành vẫn đối mặt khó khăn về đơn hàng.

Xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch 2,07 tỷ USD.
Xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch 2,07 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung ấy, nông sản lại trở thành điểm sáng mang nhiều kỳ vọng nhờ những kết quả bứt phá trong năm 2023.

Bước đệm từ những kỷ lục

Được ví là 1 trong 2 “át chủ bài” của ngành nông nghiệp năm 2023, rau quả đã liên tiếp xác lập kỷ lục xuất khẩu. Tính đến hết tháng 11, rau quả đã mang về 5,3 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là sầu riêng với kim ngạch 2,07 tỷ USD.

Dự báo hết năm nay rau quả có thể mang về khoảng 5,6 tỷ USD, kỷ lục vượt xa mọi dự tính, lần đầu tiên con số 5 tỷ USD cho mặt hàng nông sản đã được xác lập. Theo kế hoạch hồi đầu năm của ngành, con số cả năm phấn đấu 4 tỷ USD, còn theo kế hoạch Bộ NN-PTNT đặt ra đến năm 2025 rau quả sẽ cán mốc 5 tỷ USD.

Chia sẻ với ĐTTC về tiềm năng xuất khẩu trong năm 2024 của nhóm ngành này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, bày tỏ nếu không có yếu tố đột biến rau quả có thể cán thêm mốc mới vượt mức 6 tỷ USD. Hiện nhu cầu rau quả tại nhiều thị trường rất lớn, đặc biệt Việt Nam lại gần thị trường Trung Quốc nên có rất nhiều lợi thế, trong đó đáng chú ý nhất là chi phí logistics thấp hơn nhiều so với các đối thủ chính.

“Lợi thế đã có nếu chúng ra duy trì được chất lượng và các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, việc mở rộng chiếm lĩnh thị trường là hoàn toàn có thể” - ông Nguyên chia sẻ.

“Át chủ bài” thứ hai chính là gạo. Tính đến hết tháng 11 mặt hàng này đã mang về 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm ngoái. Dự báo hết năm 2023 ngành gạo sẽ lập kỷ lục cả về khối lượng và kim ngạch với khoảng 8,4 triệu tấn và 4,8 tỷ USD. Tại hội nghị lúa gạo quốc tế được tổ chức tại Philipines cuối tháng 11, gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới, là cơ hội giúp gạo Việt vươn xa hơn.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu của mặt hàng gạo trong năm 2024, nhiều ý kiến đều đồng tình về khả năng tăng trưởng trong ít nhất nửa đầu năm tới.

Có thể thấy các ngành sản xuất công nghiệp phụ thuộc chính vào xuất khẩu sẽ phải đối mặt với năm 2024 nhiều thách thức.

Tại hội thảo “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” diễn ra gần đây, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), phân tích sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn, nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Ông Hòa đề xuất các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Mặt hàng nông sản khác cũng đang ghi nhận những kỷ lục là cà phê. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng mạnh và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua, kéo theo giá cà phê trong nước tăng theo. Dự kiến, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn với giá trị hơn 4,2 tỷ USD, kỷ lục mới trong xuất khẩu cà phê nhiều năm qua. Dự báo trong năm 2024, cà phê có thể mang về 5 tỷ USD nhờ giá tiếp tục tăng và sản lượng giảm.

Thách thức cho nhiều ngành khác

Tại ngày hội kết nối việc làm tổ chức ngày 17-12 ở TPHCM, một số doanh nghiệp dệt may đã tuyển lao động với số lượng lên tới hàng trăm công nhân. Liệu đây có phải tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của ngành dệt may trong năm mới 2024.

Chia sẻ với ĐTTC, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết một số doanh nghiệp đang dần phục hồi nên có nhu cầu tuyển công nhân, một số khác muốn có sự chuẩn bị trước cho năm 2024 nên cũng bắt đầu tuyển dụng. Tuy nhiên, tình hình chung của ngành đến nay vẫn chưa mấy khả quan do áp lực tìm kiếm đơn hàng trong năm mới rất lớn. Năm 2024 ngành may đặt mục tiêu xuất khẩu đầy thách thức là 44 tỷ USD, trong bối cảnh thương mại toàn cầu chưa thực sự khởi sắc, người tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn vẫn thắt chặt chi tiêu.

Không chỉ lo sức cầu yếu, doanh nghiệp ngành may còn phải lo đối mặt với nhiều quy định khắt khe trong năm tới. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết thách thức với ngành trong năm 2024 rất lớn khi phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”; chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức; Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) cho ngành sợi...

Nhóm ngành khác cũng được dự báo còn nhiều khó khăn là gỗ và sản phẩm gỗ. Những tháng cuối năm 2023 dù đơn hàng đã dần trở lại nhưng tính đến hết tháng 11 toàn ngành mới cán mốc 12,1 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm 2023 ngành gỗ sẽ mang về khoảng 14 tỷ USD (ít hơn 3 tỷ USD so với kế hoạch).

Bộ Công Thương nhận định xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực hơn, hàng tồn kho tại các thị trường chính có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn còn chậm và xu hướng này dự kiến vẫn tiếp tục trong thời gian tới, bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với nhóm hàng hóa không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ vẫn chưa thấy sự phục hồi rõ nét...

Trong báo cáo mới nhất về viễn cảnh kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 xuống còn 2,9%, giảm nhẹ so với mức 3% đưa ra hồi tháng 9. Về tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024, OECD giữ nguyên mức dự báo từng đưa ra trước đó 2,7%.

Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Các tin khác