Tại diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” do Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) chủ trì, ngày 22-9 tại TPHCM, các chuyên gia đã đưa ra đánh giá và dự báo cho mô hình kinh tế đang được gửi gắm nhiều kỳ vọng.
TS. Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cho rằng du lịch nông thôn là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống làng xã...; thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn.
Hiểu theo cách khác, du lịch nông thôn là chuỗi hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn, để khai thác các giá trị ở vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của cư dân không ở nông thôn hoặc ở vùng nông thôn khác. Các giá trị tài nguyên ở vùng nông thôn mang tính đặc trưng về văn hóa, lối sống truyền thống làng quê gắn với lao động sản xuất nông nghiệp.
Trong quan niệm cởi mở, du lịch nông thôn được chia ra nhiều loại hình và được gọi tên theo những cách khác nhau, như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề.
Theo TS. Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, những loại hình du lịch nông thôn rất có ý nghĩa, trước hết giúp phát triển kinh tế nông thôn, sau đó là tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch họ muốn giới thiệu đến du khách. Điều quan trọng của du lịch nông thôn là kết nối các giá trị kinh tế, văn hóa và nhân văn, cũng như giải quyết những vấn đề di dân và nâng cao thu nhập nông thôn.
Tuy nhiên, tâm lý chung của du khách là thích khám phá những điều lạ lẫm và độc đáo, thậm chí thích chiêm nhưỡng những sự kỳ vĩ. Cho nên, để chiêu mộ du khách hướng nhu cầu về du lịch nông thôn, không hề đơn giản.
Bằng kinh nghiệm của mình, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, nhận định: Hiện tại, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Không chỉ có các sản phẩm sao chép, na ná giống nhau khắp các vùng miền, hay vấn đề nổi cộm cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý về làm du lịch trên đất nông nghiệp, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng cần tuyên truyền thay đổi tư duy các chủ thể tham gia. Theo đó, phải làm sao để nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch với sự chung tay của các doanh nghiệp lữ hành.
Thực tế kinh doanh của các công ty du lịch cho thấy, chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” của TPHCM là giải pháp sáng tạo, nhằm huy động nguồn lực của các địa phương trong việc khai thác tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Dựa trên tài nguyên thiên nhiên và nhân văn sẵn có của từng địa bàn, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã có nhiều ý tưởng mới trong việc xây dựng các chương trình du lịch đặc trưng, riêng có và không sao chép. Thí dụ “Quận 4 - Cù Lao giữa lòng phố thị”, “Về quận 5 xem múa lân”, “Thủ Đức - TP xanh bên sông Sài Gòn”, “Quận Bình Thạnh - Vùng đất thanh bình”, “Quận Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa”, “Bình Chánh - Về chốn linh thiêng”; “Về Quận 10, nghe kể chuyện Đông y”…
Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng “Khám phá đảo muối Thiềng Liềng” có khoảng 16 điểm đến, với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và văn hóa của người dân vùng biển như ẩm thực và thức uống vùng biển, không gian nghề muối, không gian hoài niệm, homestay, đờn ca tài tử, ngâm chân thư giãn và tất nhiên là không thể thiếu các hoạt động về muối.
Tất cả sản phẩm du lịch này do chính các hộ dân và cư dân đang sinh sống tại ấp đảo Thiềng Liềng thực hiện và đang bắt đầu được khách du lịch quan tâm.
Phong cảnh nông thôn Việt Nam nhìn chung vẫn còn duy trì được môi trường trong lành, do đó du lịch nông thôn cũng có thể kết hợp nghỉ dưỡng và điều trị. Thầy thuốc Ưu tú Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM, kiến nghị: Với những điều kiện thuận lợi như đa dạng về sản phẩm từ nông nghiệp, các địa phương giàu truyền thống về văn hóa, con người và nông sản vật; cùng đó là xu hướng phát triển về du lịch y tế; du lịch sức khỏe; xu thế hướng về thiên nhiên, hướng về y dược cổ truyền của du khách.
Việc xây dựng và phát triển mô hình “du lịch sức khỏe” gắn kết với các chương trình phát triển nông thôn, du lịch y tế bằng cung cấp sản phẩm của y dược cổ truyền, hoàn toàn có cơ sở phát triển và lan rộng. Để các mô hình du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP phát triển bền vững cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan quản lý - chính quyền địa phương, nhà chuyên môn, nhà quản lý cùng người dân trong hoạch định chính sách, quản lý và vận hành, cung cấp sản phẩm; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Dù vẫn còn nhiều trăn trở và nhiều tồn tại, nhưng du lịch nông thôn đang có nhiều cơ hội để phát triển. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, nhấn mạnh khi kết hợp giữa việc phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP, là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người nông dân… góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.