Ở chiều ngược lại, thị trường trong nước cũng đang đón nhận nhiều hàng hóa nông, thủy sản từ các nước, đặc biệt là các quốc gia có hợp tác thương mại với Việt Nam, tạo thêm sự phong phú mặt hàng, thêm lựa chọn cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng chọn mua nông sản nhập khẩu tại siêu thị
Phong phú hàng nhập ngoại
Trong những ngày giữa tháng 11, tại cửa hàng hải sản Hoàng Gia (đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM), cua lông Thượng Hải có giá gần 900.000 đồng/kg vẫn đắt hàng. Một nhân viên của cửa hàng cho biết, do mùa thu hoạch cua lông rất ngắn nên nhiều người muốn thưởng thức phải đặt trước mới có. Không chỉ cua lông, nhiều mặt hàng thủy hải sản ngoại nhập cao cấp khác như cua King crab có giá hơn 2 triệu đồng/kg, tôm hùm Nam Úc có giá khoảng 2,4 triệu đồng/kg, tôm hùm Tây Úc giá khoảng 2,3 triệu đồng/kg, cá bơn Hàn Quốc giá khoảng 800.000 đồng/kg… cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các cửa hàng hải sản.
Bên cạnh thủy hải sản, nhiều mặt hàng nông sản ngoại nhập khác cũng phong phú không kém. Tại siêu thị Emart Gò Vấp (TPHCM), búp bắp cải tím, cải cầu vồng Úc, rau xà lách Úc, ớt chuông Hàn Quốc, bông cải trắng Úc, bông cải tím Úc, bắp cải đỏ Úc, nấm kim châm Hàn Quốc… được bày bán khá nhiều.
Vừa chọn mua rau củ nhập ngoại, chị Tô Thị Ngọc Bích (quận Gò Vấp) vừa cho hay: “Nếu so với các sản phẩm cùng loại của Việt Nam thì sản phẩm nhập khẩu mắc hơn, nhưng bù lại yên tâm về chất lượng, lại được nhân viên bán hàng tư vấn cách chế biến, sơ chế”.
Đại diện siêu thị Emart thông tin, với nông sản từ Hàn Quốc, siêu thị được nhập khẩu trực tiếp, những sản phẩm khác thường nhập qua các công ty đối tác. “Dù giá thành cao so với nông sản Việt Nam nhưng nông sản nhập khẩu vẫn bán rất chạy”, một đại diện siêu thị Emart tiết lộ.
Tương tự, cửa hàng Kingfoodmart (đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TPHCM) nhập khẩu cải bó xôi Úc, xà lách baby Úc, rau xà lách baby hỗn hợp Úc với giá vài trăm ngàn đồng/kg và bán khá chạy. Nhiều trang mạng xã hội cũng rao bán sản phẩm nông, thủy sản nhập khẩu đông lạnh theo mùa vụ (thường rẻ hơn ở các cửa hàng từ 20-40% tùy loại) cũng được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Cần kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng
Theo ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMQT Hải sản Hoàng Gia, hiện công ty bán hơn 50 loại hải sản tươi sống từ nhiều nước trên thế giới như bào ngư Hàn Quốc, bào ngư Úc, sò điệp Nhật Bản, cua nâu Ireland, ốc bulot Ireland, hàu Canada, hàu Mỹ… Để có sản phẩm tươi sống, công ty phải tìm hiểu những sản phẩm nước ngoài có đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phù hợp với thời tiết, môi trường, có khả năng sống khỏe trong quá trình vận chuyển về Việt Nam hay không, mới quyết định nhập khẩu. Với một số sản phẩm chưa nhập về Việt Nam lần nào, công ty phải xin phép thành lập hội đồng khoa học để trình bày, thuyết trình về loại thủy sản đó trước hội đồng của Bộ NN-PTNT. Quá trình được hội đồng khoa học chấp nhận thông qua, cấp giấy phép khoảng 6-12 tháng.
“Nhờ Việt Nam tham gia nhiều FTA với các nước, nhiều sản phẩm nông, thủy hải sản ngoại được giảm thuế nên hiện các sản phẩm đã có giá rẻ hơn nhiều so với cách đây vài năm. Đánh giá dư địa phát triển còn nhiều nên công ty vẫn thường xuyên tìm kiếm sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước”, ông Trường nói.
Theo một doanh nghiệp Việt Nam chuyên nhập khẩu nông, thủy hải sản ngoại, gần 2 năm nay, thị trường nông sản, thủy hải sản ngoại tươi sống rất sôi động. Đây là kết quả của việc Việt Nam đã tham gia nhiều FTA. Thời gian gần đây, lượng nông, thủy hải sản nước ngoài nhập khẩu ngày càng nhiều vào Việt Nam còn do chính các lãnh sự quán, đại diện thương mại các nước tổ chức các buổi kết nối, tọa đàm, hội thảo xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm của nước họ tới người tiêu dùng Việt Nam.
Nhiều đại sứ quán còn thường xuyên chia sẻ các thông tin về sản phẩm, mùa vụ, thị trường để kết nối doanh nghiệp 2 nước hợp tác, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần tăng cường kiểm soát việc tuân thủ các quy định về môi trường, quản lý tiêu chuẩn sản phẩm và nhiều quy định khác liên quan đến chất lượng hàng hóa nông, thủy hải sản nhập ngoại để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Bộ NN-PTNT cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt 35,6 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam đã chi hơn 1,2 tỷ USD để nhập khẩu rau quả từ các nước, tăng 14,6% so với cùng kỳ; thủy sản nhập khẩu đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ 2020. |
Theo Đại sứ quán New Zealand, Việt Nam nhập khẩu nhiều loại trái cây, rau, củ, thủy sản đông lạnh từ nước này như sò 2 mảnh vỏ, mực, cá, paua, tôm hùm, hàu, cá ngừ… Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp 2 nước, năm 2020, Đại sứ quán New Zealand, Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính đã ký kết Thỏa thuận hệ thống chứng nhận điện tử dành cho các sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm xuất, nhập khẩu của 2 nước. Đây là phương pháp trao đổi thông tin, đồng thuận trực tuyến giữa Chính phủ 2 nước nhằm tạo thuận lợi thông quan cho các mặt hàng nông, thủy sản và thực phẩm. Việc trao đổi các dữ liệu chứng nhận điện tử giúp đơn giản hóa quy trình xuất nhập khẩu các mặt hàng, đẩy nhanh quá trình thông quan, giảm giá thành, tăng cường độ tin cậy và tính minh bạch; đồng thời giảm đến mức thấp nhất nguy cơ gian lận trong giao thương hàng hóa. Hiện nay, Bộ Các ngành cơ bản của New Zealand và Bộ NN-PTNT Việt Nam đang nhanh chóng hoàn tất thủ tục cấp phép nhập khẩu cho trái dâu và bí ngòi New Zealand vào Việt Nam. |