Vị trí vết nứt núi nằm phía sau trụ sở ủy ban xã Ba Giang có chiều dài 100m, vết nứt rộng 0,1-0,5m, đe dọa 3 công trình trường học, ủy ban, trạm y tế và nhà của hơn 10 hộ dân.
UBND xã Ba Giang đã đi khảo sát khu vực núi Voang Mo Ơn, phát hiện đỉnh núi có 1 tảng đá lộ thiên, đặc biệt có một tảng đá lớn dài khoảng 5m, cao gần 3m được gối đầu trên các tảng đá nhỏ và một đầu gối vào gốc cây Chò đã chết, nguy cơ sạt lở xuống các công trình dưới chân núi rất lớn.
Tại núi, nhiều mạch nước ngầm sau các đợt mưa chảy ra từ trong hốc núi, khi mưa lớn kèm theo sẽ có nguy cơ sạt lở tiếp và khả năng đổ lấp vào trụ sở ủy ban xã do hiện tại UBND xã, trường TH&THCS Ba Giang, Trạm Y tế xã đều nằm một bên chân núi trên.
Ông Phạm Tiến Dũng- Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS Ba Giang, cho biết: “Sau mưa bão số 9 vừa qua, hiện tượng sạt lở vẫn tiếp diễn, một số đất đá dưới chân núi đã sạt lở gây hư hỏng hàng rào của trường học khoảng 15m. Vì khối lượng đất đá phía sau trường là rất lớn nên việc đảm bảo học tập, giảng dạy vào mùa mưa gặp khó khăn. Nhà trường luôn chủ động theo dõi diễn biến mưa lũ và kiểm tra tình hình sạt lở để kịp thời di chuyển học sinh”.
Hiện tại, điểm trường chính có 209 học sinh phải học tại điểm trường dưới chân núi Voang Mo Ơn và các em lúc nào cũng nơm nớp lo sợ đến lớp khi trời mưa. Bởi trên đỉnh núi, các vết nứt đã lộ thiên và dễ tạo dòng chảy xói đất trôi xuống chân núi bất cứ lúc nào.
Ông Phạm Tiến Dũng kể, năm 2011 khi ông về công tác thì trường chỉ mới xây 1 dãy phòng, đây là trường học chung cho cả các thôn trong xã và sau này được xây dựng kiên cố thêm nhiều dãy phòng. Đến năm 2013 mới xảy ra tình trạng sạt lở, nứt núi. Việc tìm kiếm khu vực đất bằng phẳng trên vùng núi non trùng điệp này là rất khó.
Tường rào sau trường học nằm vừa sát chân núi, trước kia cũng từng ngã đổ do sạt lở núi. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Ông Trần Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Ba Giang, cho biết: “Một số vị trí bị sạt lở, nứt núi có chiều rộng đến 150m. Mặc dù xã thường xuyên lên núi kiểm tra vị trí nứt, xét thấy có nguy cơ đe dọa rất lớn, nên xã đã làm báo cáo lên huyện”.
Ông Hoài cũng cho biết thêm: "Xã Ba Giang được tách ra từ năm 2009, điều kiện hạ tầng, giao thông, kinh tế còn khó khăn, những công trình được xây dựng đa phần là từ trước đó. Quỹ đất bằng phẳng xã Ba Giang còn rất ít, hơn nữa việc di dời theo khảo sát thì tốn hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, xã chỉ có thể chủ động sơ tán dân mỗi mưa lũ, huy động các lực lượng tham gia ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Xã Ba Giang rất mong có giải pháp để di dời các công trình, nhà dân tránh vết nứt núi đang diễn ra ngày càng nhanh”.