Nuôi dưỡng nguồn thu, chi tiêu hợp lý

(ĐTTCO) - Một động thái được nhiều nhà quan sát kỳ vọng hiện nay là nền kinh tế đang từng bước mở cửa theo phương châm “sống chung an toàn với dịch bệnh”. Theo đó, việc xây dựng chính sách tài khóa năm 2021 và xa hơn là giai đoạn 2021-2025 cần điều chỉnh lại các nội dung cả thu và chi cho phù hợp.
Nuôi dưỡng nguồn thu, chi tiêu hợp lý
Cụ thể, dự toán thu và chi NSNN cần tiếp tục duy trì sự thận trọng hơn, chắt chiu từng đồng vốn, đồng thời với các giải pháp “khoan thư sức dân” để nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, không nên quá cứng nhắc mà phải có khoảng đệm trong bối cảnh mới với nhiều yếu tố bất định.
Cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành NSNN ở tất cả các cấp. 
TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) lưu ý: “Việc lập dự toán và nghiêm chỉnh chấp hành dự toán luôn là vấn đề chưa được giải quyết, khi số NS chuyển nguồn hàng năm luôn rất cao (tỷ lệ này giảm đôi chút vào giai đoạn 2012-2014 và lại tăng cao trở lại vài năm gần đây).
Khi NS chuyển nguồn quá lớn, lên tới gần 40% tổng chi cân đối NSNN (2019), hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”. 
Việc tiếp tục lập NS theo mô hình đầu vào đã bộc lộ những hạn chế lớn khi đối phó với dịch bệnh, cần nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch NS theo đầu ra, đặc biệt với ngành y tế. Khuyến nghị quan trọng tiếp theo là xem xét mở rộng các gói hỗ trợ chính sách tài khóa.
Đề xuất dựa trên cơ sở dự báo Covid-19 sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Từ đó, chính sách tài khóa dành cho xóa đói giảm nghèo và phục hồi sau Covid-19 cần phải được chú ý đặc biệt. 
Một nghiên cứu của TS. Đinh Trường Hinh, người từng là chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Washington DC, cho rằng chính sách tài khóa hỗ trợ của Việt Nam còn quá ít và quá dè dặt.
Việt Nam có thể tăng chi hỗ trợ từ 0,2 lên đến 3% GDP (tương đương 260.000 tỷ đồng) mà không gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đồng tình với quan điểm này, cho rằng tăng chi hỗ trợ cũng chính là cách nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả.
 “Chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, xã hội” - TS. Vũ Sỹ Cường lập luận.
Trong trung hạn 2022-2025 khi kinh tế trong nước và quốc tế hồi phục, lãi suất huy động có thể tăng trở lại khi nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng lên, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch bệnh. 

Các tin khác