Nút thắt FDI chất lượng cao

Trong chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay, lĩnh vực công nghệ cao được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên những chính sách ưu đãi vẫn chưa mang tính thực tế nên đa số tập đoàn đa quốc gia chưa được chú trọng.

Trong 2 năm 2007 và 2008, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, tháng sau tăng hơn tháng trước hàng tỷ USD. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI), cho thấy có đến 67% doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam nằm trong nhóm ngành có giá trị gia tăng thấp, 5% thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin, 5% nhóm ngành dịch vụ khoa học kỹ thuật, 3,5% thuộc nhóm ngành bảo hiểm tài chính có dịch vụ khoa học kỹ thuật cao (dự kiến tỷ lệ các dự án đầu tư mới trong các ngành này khoảng 13,5%).

Hiện nay cả nước mới có 4 công ty đa quốc gia trực tiếp đầu tư, đa số còn lại là các công ty thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 của các công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp…

Do đó, mức độ chuyển giao và lan tỏa công nghệ của khối doanh nghiệp FDI đối với các ngành sản xuất trong nước vẫn còn rất thấp, một số dự án nhà đầu tư đưa vào sử dụng những thiết bị, máy móc lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng.

Trước thực trạng này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã định hướng nâng cao chất lượng dòng vốn FDI. Cụ thể trong thời gian tới hoạt động thu hút FDI tập trung vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực.

Tuy nhiên, dù tiêu chí thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao đã được xác định, nhưng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề chưa hợp lý. Các tập đoàn đa quốc gia đều là những nhà sản xuất lớn gắn liền với công nghệ cao nhưng đến với Việt Nam chưa được hưởng những ưu đãi cần thiết.

Chẳng hạn, dự án Samsung Complex được mở rộng từ 670 triệu USD lên 1,5 tỷ USD nhưng doanh nghiệp này không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập. Sự bất cập này được nhận định do các quy định ưu đãi đầu tư không rõ ràng và chưa thống nhất.

Thí dụ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định đối tượng được ưu đãi là những doanh nghiệp mới thành lập, còn các doanh nghiệp mở rộng dự án hay đầu tư thêm những dự án công nghệ cao không được hưởng ưu đãi.

Trong khi đó Luật Đầu tư lại thực hiện ưu đãi cho các dự án đầu tư. Sự tréo ngoe trong quy định cơ chế ưu đãi của 2 luật này đang khiến nhiều doanh nghiệp FDI bức xúc. Đây cũng được coi là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp FDI không mặn mà với các dự án đầu tư chất lượng cao.

Là một nước nông nghiệp nếu muốn chuyển sang công nghiệp, công nghệ cao cần phải có thời gian và định hướng hợp lý, trước mắt phải có công nghiệp phụ trợ làm nền tảng. Nhà đầu tư là các công ty đa quốc gia sẽ góp phần giải quyết vấn đề này, bởi đi kèm với các công ty này là các nhà sản xuất sản phẩm hỗ trợ. Do vậy cần có những chính sách ưu đãi đầu tư để họ đến với Việt Nam.

Thực tế chiến lược thu hút FDI của Việt Nam đang được chuyển đổi từ lượng sang chất là hướng đi đúng. Theo đó tập trung đầu tư các dự án công nghiệp phụ trợ để chuỗi cung ứng sản phẩm được nối liền mạch, giảm chi phí sản xuất nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ từ các nhà cung ứng sản phẩm hỗ trợ.

Bên cạnh đó, để phát triển phù hợp với xu hướng và nhu cầu thực tế, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị cao.

Tuy nhiên sự chuyển đổi này diễn ra còn chậm, tức chúng ta đang bỏ lỡ nhiều cơ hội, không chỉ về thu hút đầu tư mà còn liên quan đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang có sự chuyển dịch sản xuất từ thị trường này sang thị trường khác. Như đối với công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến rất được quan tâm.

Vì thế đây là lúc cần xem xét, giải tỏa những bất cập trong chính sách hỗ trợ, ưu đãi để việc thu hút FDI đi đúng hướng, đúng trọng tâm và đúng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Các tin khác