Nút thắt khởi nghiệp

(ĐTTCO) - Khởi nghiệp đang trở thành một trong những cụm từ nóng nhất trong thời gian gần đây. Rất nhiều bạn trẻ cũng đang thể hiện khao khát được khởi nghiệp. Song cũng không ít người đang thiếu định hướng và cả trợ lực để vươn đến thành công.

(ĐTTCO) - Khởi nghiệp đang trở thành một trong những cụm từ nóng nhất trong thời gian gần đây. Rất nhiều bạn trẻ cũng đang thể hiện khao khát được khởi nghiệp. Song cũng không ít người đang thiếu định hướng và cả trợ lực để vươn đến thành công.

Thách thức chọn ngành

Những thành công của chuỗi café The Coffee House hay việc chuỗi nhà hàng The KAfe nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD (gần 130 tỷ VNĐ) từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Công… đã khiến không ít bạn trẻ rất thích thú với việc khởi nghiệp trong ngành ẩm thực. Thế nhưng gần đây, người sáng lập chuỗi Phở 24, ông Lý Quí Trung, lại dành một phần chia sẻ khá dài xung quanh câu chuyện khởi nghiệp này. Ông Trung chia sẻ đầy tâm huyết: “Khởi nghiệp thì lúc nào cũng khó khăn, nhưng có những ngành nghề khó khăn hơn những ngành nghề khác. Và có những thời điểm khó khăn hơn những thời điểm khác. Theo đánh giá chủ quan của tôi thì khởi nghiệp bằng ngành ẩm thực lúc này ở Việt Nam khá là khắc nghiệt, chưa kể cạnh tranh cũng đang ở giai đoạn gay gắt chưa từng có”.

Lý giải cho những yếu tố khiến ẩm thực được cho là ngành khắc nghiệt trong thời điểm này, ông Trung chỉ ra có quá nhiều yếu tố mình không thể chủ động kiểm soát được. Nhiều khi khai trương xong cả nửa năm sau mới biết được địa điểm đó có thực sự tốt hay không. Ngành kinh doanh ẩm thực nói chung đã khó nuốt, ở Việt Nam lại “bo” thêm một đặc điểm chết người: Hợp đồng thuê mặt bằng rất ngắn hạn, không giống ai trên thế giới, chỉ trung bình từ 3-5 năm. Trong khi một hợp đồng thuê mặt bằng ở Australia hay Hoa Kỳ chẳng hạn, trung bình ít ra cũng phải trên 10 năm. Mà hợp đồng thuê nhà quá ngắn ngủi như vậy khiến không có nhiều thời gian để kiếm lời sau khi thu hồi vốn, hay nói cách khác, phần thưởng không tương xứng với rủi ro mà mình đã chấp nhận.

Một thực trạng hiện nay là khá nhiều bạn trẻ có trong mình máu khởi nghiệp, nhưng lại thiếu một đội ngũ tư vấn để tìm ra điểm mạnh và tư vấn một ngành nghề phù hợp. Có những ngành nghề được đánh giá là tiềm năng ở thị trường Việt Nam nhưng không ít bạn trẻ lại cảm thấy không hứng thú. Một thí dụ điển hình như lĩnh vực nông nghiệp. Nói về câu chuyện này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ DN (BSA), chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), chia sẻ Hội DN HVNCLC đang có những chương trình giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản sạch, cũng như khai thác tiềm năng nông sản ở mỗi địa phương. Đây là lĩnh vực đang có nhu cầu rất lớn, rất nhiều chuyên gia đều khẳng định Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp và khởi nghiệp của thanh niên nông thôn đáng được quan tâm, thế nhưng cho đến nay dường như mới chỉ có BSA đi đầu trong những chương trình hỗ trợ này.

Cần trợ lực tổng thể

Sau ý tưởng, có lẽ vốn là vấn đề mấu chốt thứ hai được nhắc đến. Nút thắt này đang nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ riêng tại TPHCM Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TPHCM (HSIF) chính thức ra mắt ngày 17-5. Quỹ này được sáng lập với quy mô nguồn vốn trong giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 100 tỷ đồng. Song hành với đó cũng có nhiều hội thảo được tổ chức để bàn về vấn đề vốn cho khởi nghiệp. Tất nhiên để tiếp cận được những nguồn vốn này cũng đòi hỏi nhiều công sức. Tuy vậy, ngay cả khi có vốn, có ý tưởng thì cánh cửa thành công cũng chưa phải đã mở ra với những bạn trẻ chọn con đường khởi nghiệp. Có tham gia vào các diễn đàn khởi nghiệp mới thấy những vấn đề như quản trị DN, làm thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm… cũng là những thách thức rất lớn cho những người trẻ.

Các nhà tư vấn không dễ tiếp cận với DN nhỏ và siêu nhỏ để trợ lực.

 Các nhà tư vấn không dễ tiếp cận với DN nhỏ và siêu nhỏ để trợ lực.

Một câu chuyện kể về một DN khởi nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) của ông Hoàng Minh Châu, một cựu lãnh đạo FPT, đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Câu chuyện khá dài nhưng kết luận để một công ty khởi nghiệp thuận lợi cần có sự trợ lực đồng bộ, trong đó: Hiệp hội tư vấn, cung cấp miễn phí dịch vụ kế toán và tuyển dụng; quản lý nhà nước hỗ trợ thủ tục thành lập công ty đơn giản và thuận tiện; miễn thuế cho các công ty khởi nghiệp 5 năm; ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, không cần thế chấp; công ty đi trước hỗ trợ đầu ra lúc đầu; khách hàng có ý thức giúp đỡ các công ty khởi nghiệp; và quan trọng hơn, khi nhận được những hỗ trợ này thì DN khởi nghiệp đó phải cam kết sau vài năm sẽ hỗ trợ lại những DN khởi nghiệp khác.

Dường như tất cả những yếu tố này tại Việt Nam vẫn còn đang thiếu và yếu. Những bạn trẻ vẫn đang phải tự làm rất nhiều việc nếu chọn con đường này. Họ cần những người tư vấn nhưng thực sự không biết gõ cửa nơi đâu. Mới đây chương trình đồng hành xây dựng thương hiệu nhượng quyền made in Vietnam của chuyên gia Nguyễn Phi Vân (chương trình hoàn toàn miễn phí) đã được nhiều DN trẻ quan tâm. Nhưng trong khả năng của mình bà Vân chỉ mới hỗ trợ được 1 năm 5 DN và sau đó các DN này sẽ cam kết cùng bà Vân chia sẻ với những DN đến sau. Khi được hỏi tại sao chỉ có 5 DN mà không phải nhiều hơn, bà Phi Vân cho biết bà về Việt Nam để hỗ trợ DN Việt Nam nhưng khi gõ cửa các hiệp hội để có thể hợp tác miễn phí lại chưa tìm được tiếng nói chung nên bà quyết định tự làm. Đương nhiên đây không phải chương trình dành riêng cho các DN khởi nghiệp, nhưng nói để thấy trong khi người trẻ muốn tìm các nhà tư vấn thì ngược lại các nhà tư vấn cũng không dễ làm việc với các hiệp hội để tiếp cận nhiều hơn với DN nhỏ và siêu nhỏ để trợ lực.

Tất cả những điều này đang cho thấy để đạt được con số 1 triệu DN Việt vào năm 2020, trong đó riêng TPHCM đạt 500.000 DN, vẫn còn rất nhiều việc cần làm và cần rất nhiều sự chung tay.

Các tin khác