“Nút thắt” lãi suất rẻ?

Các NHTM đều thừa nhận đang chịu sức ép phải giảm lãi suất và đẩy mạnh tín dụng không chỉ với khách hàng doanh nghiệp mà cả với khách hàng cá nhân. Trong khi đó, đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể đáp ứng tiêu chí tiếp cận vốn và lãi suất thấp của NH.

Các NHTM đều thừa nhận đang chịu sức ép phải giảm lãi suất và đẩy mạnh tín dụng không chỉ với khách hàng doanh nghiệp mà cả với khách hàng cá nhân. Trong khi đó, đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể đáp ứng tiêu chí tiếp cận vốn và lãi suất thấp của NH.

“Săn” khách hàng tốt

Ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đức Hoàng (TPHCM), cho biết công ty của ông chuyên sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang các nước châu Âu. Dù là doanh nghiệp nhỏ nhưng do có uy tín và lịch sử tín dụng tốt, nên được các NHTM mời chào vay vốn lãi suất rẻ.

Hiện tại ông vay USD ở Eximbank lãi suất 6%/năm. Nhưng những ngày qua, NH A. có trụ sở chính ở TPHCM liên tục mời chào ông vay USD lãi suất chỉ 5,5-6%/năm và được hưởng thêm nhiều quyền lợi khác. Do có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai nên ông Chiến chọn giải pháp vay USD vì lãi suất cho vay tiền đồng 13%/năm vẫn còn cao.

Chính sách giảm lãi suất cho vay phải đến đợt mới giảm chứ không thể giảm cào bằng với tất cả khách hàng, nhất là với khách hàng vay trung, dài hạn nhưng điều chỉnh lãi suất 3-6 tháng/lần. Vì thế tâm lý khách hàng đang chờ lãi suất giảm thêm mới vay. 

Ông LÊ VŨ KỲ,
Phó Tổng giám đốc ACB

“Chỉ lĩnh vực thương mại dịch vụ như ăn uống mới có biên lợi nhuận cao, chứ doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi lãi suất vay trên 10%/năm sẽ không còn lời bao nhiêu. Bởi các loại thuế ngốn ít nhất 10-15%, thêm chi phí nguyên liệu sản xuất và lãi suất vay 13%/năm, doanh nghiệp không chịu nổi. Nếu doanh nghiệp sản xuất tính thêm chi phí lãi suất vô giá thành chỉ được thời gian đầu, thời gian sau doanh nghiệp có nguy cơ mất hết khách hàng” - ông Chiến nói.

Theo một lãnh đạo NH cổ phần, hiện nay các NHTM hầu như đều thừa vốn nên đang “săn” khách hàng tốt thông qua việc mua lại danh sách khách hàng tiềm năng trên Trung tâm Thông tin tín dụng, từ đó mời chào bằng nhiều ưu đãi lãi suất và phí, nhưng hầu hết các doanh nghiệp này đều đã được NH khác o bế nên không dễ dàng lôi kéo. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khát vốn sẵn sàng vay lãi suất cao lại bị các NHTM quay lưng. Vì thế tín dụng NH đang ở trong tình trạng “kẻ chê, người cần”.

Ông Quách Công Phong, Phó Tổng giám đốc DaiABank, cho biết đến nay DaiABank tăng trưởng tín dụng gần bằng mức 15% mà NHNN giao. Nhưng cũng như các NHTMCP khác, DaiABank đang phải chịu sức ép giảm lãi suất cho vay VNĐ xuống nhanh (các NHTM nhà nước giảm quá nhanh lãi suất cho vay), trong khi giá vốn đầu vào chưa thể giảm nhanh.

Vì vậy, bên cạnh tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp sản xuất tốt để cho vay, NH tập trung đẩy mạnh cho vay hộ sản xuất, hộ gia đình cá thể. Theo ông Phong các khách hàng hộ cá thể vay món nhỏ nên ít quan tâm đến lãi suất cao hay thấp và họ có điều kiện trả nợ ổn định, an toàn hơn doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đang khó khăn hiện nay. 

Nhiêu khê thủ tục

Ông Lê Vũ Kỳ, Phó Tổng giám đốc ACB, thừa nhận cho vay đến nay đang khó khăn, tăng trưởng không nhiều vì khách hàng đủ tiêu chuẩn vay rất khó tìm. Những năm trước các NHTM chỉ cần phát triển tín dụng ở khách hàng hiện hữu để đối tượng này vay nhiều lên là tăng trưởng tín dụng tương đối.

Tuy nhiên, năm nay phần vay mới của khách hàng cũ để mở rộng sản xuất kinh doanh tăng rất ít, thậm chí nhiều khách hàng không vay mới. Trong khi đó khách hàng mới rất hiếm, nếu NH không cẩn trọng trong cho vay dễ “dính chấu” khách hàng đang có nợ xấu ở NH bạn đang tìm cách xoay vốn NH khác để trả nợ vay, hậu quả sẽ khó lường.

Lãi suất rẻ, NH thừa vốn nhưng thị trường tín dụng vẫn trong tình trạng "kẻ chê, người cần". Ảnh: LÃ ANH

Lãi suất rẻ, NH thừa vốn nhưng thị trường tín dụng
vẫn trong tình trạng "kẻ chê, người cần". Ảnh: LÃ ANH

Một doanh nghiệp sản xuất mặt hàng dây cáp ở TPHCM cho biết doanh nghiệp ông nằm trong 4 nhóm đối tượng khách hàng được ưu tiên lãi suất thấp, nhưng hiện tại vẫn phải vay lãi suất đến 18%/năm ở một NH cổ phần lớn có trụ sở ở TPHCM.

Chưa kể, điều kiện thế chấp lãi suất của NH này rất nhiêu khê. Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, các NHTM hiện nay chỉ ưu tiên cho vay thế chấp tài sản đầu tiên là sổ tiết kiệm VNĐ, vàng và tiếp theo là mặt tiền nhà quận 1, quận 3, sau đó mới đến máy móc, nhà xưởng.

Các NHTM hầu như không cho thế chấp hàng tồn kho. Riêng thế chấp nhà xưởng hiện nay rất nhiêu khê, đôi khi không phải do NH mà do chính sách. Thí dụ, NH chỉ cho vay khi doanh nghiệp có báo cáo tài chính 2-3 năm có lãi, nếu báo cáo lỗ NH cho vay sẽ phạm luật.

Nhưng thực tế thời gian qua không ít doanh nghiệp bị lỗ do nhiều yếu tố khách quan. Ngoài ra, tài sản thế chấp đa số doanh nghiệp sản xuất là nhà xưởng.

Trong đó có doanh nghiệp có nhà xưởng trị giá vài chục tỷ đồng, nhưng khi thế chấp NH không chấp nhận vì đất thuê Nhà nước, công chứng không xác nhận cho thế chấp. “Tôi có nhà xưởng đất thuê Nhà nước 50 năm trị giá mấy chục tỷ đồng, nhưng tái định giá NH chỉ cho vay 2 tỷ đồng. Để có thể vay đủ vốn tôi buộc phải lấy tài sản nhà cửa của mình để thế chấp” - doanh nhân này cho biết.

Không chỉ khó vay vì thủ tục nhiêu khê, nhiều doanh nghiệp cho biết phải cẩn trọng việc các NHTM chào lãi suất rẻ. Bởi có thể NH tính lãi suất rẻ 2-3 tháng đầu, những tháng sau nâng lãi suất lên. Tài sản lúc này đã thế chấp cho NH, nếu muốn rút ra phải chịu phí cao. Nhiều doanh nghiệp cho biết thà vay lãi suất cao còn hơn vay ưu đãi từ vốn kích cầu lãi suất vì thủ tục quá nhiêu khê, phiền phức.

Để được vay vốn từ gói hỗ trợ kích cầu, doanh nghiệp phải báo cáo kế hoạch liên tục cho cơ quan quản lý, nếu có đơn hàng phải đấu thầu chọn 2-3 đơn hàng cùng chủng loại nhưng giá phải thấp hơn, hay phải là hàng sản xuất trong nước. Mức lãi suất hỗ trợ không được bao nhiêu nhưng phải tốn công sức khiến các doanh nghiệp cũng nản khi tiếp cận vốn rẻ.

Các tin khác