Trong bối cảnh các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang rất cần vốn kinh doanh, ngoài nguồn vốn sẵn có, NHTMCP Phương Đông (OCB) luôn nỗ lực đàm phán với các tổ chức tài chính nước ngoài để có thêm nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ doanh nghiệp. Vừa qua, tại Hà Nội, OCB đã được NHNN phê duyệt lựa chọn ký kết thỏa thuận với NHNN để cho vay lại nguồn vốn Dự án SMEFP III (dự án tài trợ DNNVV giai đoạn 3). Làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn này từ OCB là vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp hiện nay.
Cơ hội vay vốn dài hạn, giá rẻ
SMEFP III - chương trình cho vay lại dựa theo thỏa thuận vay giữa Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giai đoạn 3. NHNN là cơ quan điều hành dự án, thông qua các định chế tài chính trong nước nhằm tài trợ vốn cho các DNNVV tăng cường sức cạnh tranh trong nền kinh tế.
Việc được NHNN lựa chọn tham gia dự án SMEFP III là điều kiện vô cùng thuận lợi cho OCB triển khai nguồn vốn giá rẻ đến các DNNVV - đây cũng chính là đối tượng khách hàng trọng tâm OCB hướng đến hiện nay.
Khách hàng giao dịch tại OCB. |
Trên cơ sở đó, OCB đang triển khai cho vay bằng nguồn dự án SMEFP III đến khách hàng là công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân được thành lập, đăng ký theo Luật Doanh nghiệp. Trong đó vốn ngoài quốc doanh chiếm ít nhất 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và vừa có nhu cầu về vốn sẽ được tài trợ tối đa 85% tổng chi phí đầu tư hợp lệ của tiểu dự án. Trong đó, nguồn vốn của JICA: tối đa 75% tổng số tiền vay; nguồn vốn của OCB: tối thiểu 25% tổng số tiền vay.
Thời hạn cho vay của chương trình này lên đến 10 năm, mức cho vay lên đến 25 tỷ đồng/dự án và doanh nghiệp tham gia ít nhất 15% vốn. Đây là ưu điểm của chương trình vì với các khoản vay thông thường doanh nghiệp phải tham gia 30-40% vốn đối ứng.
Chương trình đặc biệt xem xét các khoản đầu tư trung, dài hạn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị thuộc các ngành nghề như sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, vận tải, giáo dục - đào tạo... Các khoản vay phải phù hợp với các quy định về bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Kèm theo dịch vụ giá trị gia tăng
OCB không chỉ đồng hành với khách hàng trong việc cung ứng vốn mà luôn cố gắng đưa ra các giải pháp, chính sách sản phẩm nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Vừa rồi, OCB cũng đã thỏa thuận được với IFC để có khoản tài trợ khá ổn định hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu (có doanh thu lớn, có an toàn về mặt tín dụng) với mức lãi suất ưu đãi.
Về sản phẩm tiền gửi, OCB có O-SMART, O-PLUS - các loại tài khoản thanh toán kiêm chức năng tiết kiệm tích lũy. Sắp tới đây, OCB cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền (Cash Management) kết hợp với dịch vụ OCBOnline với cấu hình bảo mật cao cấp - một dịch vụ quản lý tài chính tối ưu dành cho quý doanh nghiệp, giúp dòng tiền lưu thông hiệu quả và tối đa hóa khả năng sinh lời.
Đối với các ngân hàng việc cân nhắc lựa chọn khách hàng tốt là điều quan trọng nhằm bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn và bền vững. Vì vậy, để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, nhất là vốn ưu đãi của chương trình SMEFP III, ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc OCB, phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, cho rằng các DNNVV nên xây dựng phương án kinh doanh rõ ràng, có tính khả thi cao, đảm bảo tình hình tài chính.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với ngân hàng trong giai đoạn đầu triển khai dự án, qua đó OCB sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ tối đa giúp khách hàng đáp ứng những điều kiện cơ bản trên để có thể tiếp cận nguồn vốn này.