Cụ thể, tuyên bố của WHO ngày 27/11 nêu rõ: "Dựa trên những bằng chứng cho thấy có sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học về đại dịch Covid-19... WHO coi B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại và đặt tên là Omicron".
Cũng theo WHO, các công cụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể này.
Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana. Tính đến ngày 26/11, thế giới đã ghi nhận khoảng 50 ca nhiễm biến thể B.1.1.529 ở Nam Phi, Hong Kong (Trung Quốc) và Botswana.
Biến chủng này có tới 32 đột biến ở protein gai, thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể, làm dấy lên lo ngại về khả năng né tránh vaccine của virus. Đây cũng là phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống SARS-CoV-2.
Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.
Nguy hiểm hơn, với 32 đột biến, trong đó đột biến K417N từng xuất hiện ở biến thể Delta, Omicron là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2.
Trước đó, các nhà khoa học bày tỏ lo ngại trước Omicron do số lượng đột biến rất cao, có thể giúp nó tránh khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, hiện tại, chưa có đủ dữ liệu để so sánh mức độ nguy hiểm của biến thể này với các biến thể khác.
Trong khi đó, ngày 26/11, sau cuộc họp khẩn cấp về Omicron, WHO cho biết sẽ cần vài tuần để hiểu về biến thể mới.
Bà Maria van Kerkhove, nhà dịch tễ học của WHO nhận định: "Chúng tôi chưa biết nhiều về biến thể Omicro. Những gì chúng tôi biết là nó có số lượng lớn các đột biến. Điều này có thể tác động đến cách hoạt động của virus".