(ĐTTCO) – Từng được xem là những “kẻ thống trị” thế giới bán lẻ, song giờ đây, những thương hiệu bán lẻ truyền thống như Walmart, Macy’s…lại đang gặp khó trước những đàn em đi sau.
16.000 người sẽ mất việc
Hôm qua 15/1, Walmart – 1 trong những nhà bán lẻ truyền thống lớn nhất thế giới đã tuyên bố sẽ đóng cửa 269 địa điểm bán hàng trong năm 2016, trong đó có 154 điểm tại Hoa Kỳ, còn lại là 115 điểm ở Brazil và Mỹ Latinh. 2/3 trong số đó là những “Walmart Express” – cửa hàng nhỏ; 12 “Walmart Supercenters”, cùng với 4 cửa hàng Sam’s Club. Các cửa hàng sẽ chính thức đóng cửa vào cuối tháng 1.
Nhà bán lẻ này tuyên bố, các địa điểm bị đóng cửa chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng diện tích của của tập đoàn trên toàn thế giới. Tuy nhiên điều này sẽ khiến 16.000 nhân viên của tập đoàn sẽ mất việc, trong đó có khoảng 10.000 người Mỹ.
Walmart cho biết sẽ tạo cơ hội cho một số người chuyển sang các cửa hàng khác của hãng. Phần còn lại sẽ nhận được 60 ngày lương cộng tiền bồi thường nếu đủ điều kiện.
“Sự việc nhằm cố gắng để khôi phục ngân sách tài chính đang sụt giảm” – Walmart tuyên bố
Tuy nhiên, Walmart cho biết họ sẽ tiếp tục mở thêm 300 cửa hàng mới trên toàn thế giới vào cuối năm nay và trong năm 2017. Trong đó có tới 60 Walmart Supercenters mới tại Mỹ và 10 cửa hàng Club Sam.
Doug McMillon – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Walmart nói: “Đóng cửa hàng không bao giờ là một quyết định dễ dàng, nhưng nó là cần thiết để giữ cho tập đoàn lớn mạnh hơn. Điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng chúng tôi sẽ mở thêm 300 cửa hàng trên toàn thế giới vào năm tới.”
Không chỉ mình Walmart gặp khó
Không chỉ Walmart, một vài nhà bán lẻ lớn khác cũng đã công bố đóng cửa một số chuỗi cửa hàng để “thay đổi” tốt hơn. Tuần trước, tập đoàn Line cũng đã tuyên bố kế hoạch đóng cửa 150 cửa hàng sau khi công bố thua lỗ trong quý thứ III.
Gần đây, Macy’s – Nhà bán lẻ thời trang hàng hiệu có tiếng tại Mỹ đã tuyên bố sẽ đóng 36 cửa hàng và sa thải 4.500 nhân viên. Sự việc diễn ra cùng ngày với sự kiện công bố lượng bán hàng mùa mua sắm vừa qua giảm tới 4,7%.
Macy’s đang phải vật lộn với doanh số bán hàng ngày một nghèo nàn. Điều này khiến cho giá cổ phiếu của hãng rớt thảm tới 47% trong năm 2015.
Trong khi đó, sau khi đóng cửa gần 600 cửa hàng trong gần một năm trước, tập đoàn Sears Holdings Corporation tiếp tục phải tạm dừng một số điểm bán trên khắp nước Mỹ.
Nguyên nhân từ đâu?
Theo nhiều nhà phân tích, một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà bán lẻ truyền thống “lao đao” vì không kịp thích nghi với 3 xu hướng mua sắm của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng.
Thứ nhất, ngày càng nhiều người sử dụng điện thoại thông minh, máy tính để mua hàng qua các trang thương mại điện tử như Amazon, Alibaba…
Hãng phân tích eMarketer dự báo, trong năm 2015, tổng giá trị bán lẻ toàn cầu sẽ đạt con số là 22 nghìn tỷ USD, trong đó riêng hoạt động bán lẻ trên Internet sẽ chiếm tới 3.015 tỷ USD, tương đương 7,4%. So với năm 2014. Đây là một mức tăng trưởng đang kể (năm 2014 : 6,6%). Mỹ & Trung Quốc hiện là hai quốc gia xếp hạng cao nhất về doanh số bán lẻ trên internet với hơn 55% doanh số bán lẻ trực tuyến trên tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu trong năm 2014
eMarketer cũng dự đoán, các phân khúc thị trường trong thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, và đến năm 2018, tỷ lệ doanh thu thị trường bán lẻ thông qua website sẽ chiếm tới 8,8% trên tổng thị trường bán lẻ toàn cầu.
Thứ hai là việc các “thượng đế” đang có trào lưu “săn” các ưu đãi, khuyến mãi nhằm tiết kiệm chi phí. Ken Perkins – Chủ tịch của Retail Metrics nhận định: Macy’s và nhiều cửa hàng đồng giá khác cũng phải đối mặt với các thương hiệu như H&M và thời trang giảm giá như TJ Maxx.
Doanh thu hàng năm của TJ Maxx đạt 27,4 tỷ USD cao hơn cả Estée Lauder, Hilton Worldwide, và Hershey cộng lại. Trong suốt 4 thập kỷ tồn tại, chỉ duy nhất một năm có kết quả kinh doanh không như ý. TJ Maxx làm được điều này bằng cách bán tất tần tật mọi thứ với cái giá phải chăng hơn đối thủ.
Chuyên gia về bán lẻ Robin Lewis cho rằng, người tiêu dùng không còn dễ dãi trong việc trả giá như trước kia, họ đang ngày càng “nghiện” các chương trình khuyến mại. Các phiếu giảm giá, chiết khấu, thẻ tích điểm, quà tặng đính kèm… Người tiêu dùng đang cố gắng chi tiêu càng ít càng tốt. Và các siêu thị đồng giá như Macy’s sẽ phải thay đổi để đáp ứng sự chuyển biến này trong thế giới tiêu dùng.
Cuối cùng, những người tiêu dùng cũng đang có xu hướng lựa chọn các cửa hàng có thể biến hóa phong cách nhanh chóng và có xu hướng ưu ái phong cách thể thao, thoải mái. Sự thay đổi này khiến nhà bán lẻ truyền thống gặp nhiều thách thức.
Nỗ lực thay đổi
Walmart cùng với các nhà bán lẻ truyền thống khác đang tích cực làm việc để “làm mới” mình thông qua việc phát triển các dịch vụ thương mại điện tử và kỹ thuật số. Song song với việc nâng cấp cửa hàng và cung cấp cho khách hàng những sự trải nghiệm mua sắm thú vị hơn. Walmart đã chi ra hơn 1 tỷ USD để tăng tiền lương cũng như đào tạo thêm trình độ phục vụ khách hàng cho nhân viên của mình.
“Việc đóng cửa 269/11.600 cửa hàng toàn cầu của Walmart sẽ cho phép nhà bán lẻ để đẩy mạnh các sáng kiến kỹ thuật số vào trong cửa hàng của mình” – Greg Hitt, phát ngôn viên của Walmart nói.
Ngoài ra, Walmart cũng có kế hoạch phát triển nhiều hơn những cửa hàng trung bình với diện tích khoảng 30.000 feet vuông – con số mà nhà bán lẻ này cho rằng sẽ giúp các “thượng đế” của mình thuận tiện cho việc mua sắm hơn.
Còn về phần Macy’s, mặc dù đang trong tình cảnh không mấy khả quan, song nhiều nhà phân tích cho rằng Macy’s vẫn còn lợi thế để đảo ngược tình hình bởi họ có một đội ngũ làm việc giàu kinh nghiệm.
Khi được hỏi về tình hình công ty, phát ngôn viên của Macy’s s Jim Sluzewski đưa ra kế hoạch tái cơ cấu sắp xếp lại mô hình kinh doanh sao hiệu quả hơn, bao gồm cả sa thải và đóng cửa hàng, dự kiến sẽ giúp công ty tiết kiệm được chừng 400 triệu USD. Hãng cũng đã bắt đầu chạy theo xu hướng tung ra các cửa hàng giảm giá để cạnh tranh với các đối thủ.