“Ông lớn” vào cuộc kích cầu nhà ở xã hội

Tại Nghị quyết 02/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các NHTM nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp mua nhà ở, cho vay các dự án nhà ở xã hội. Điều đang được dư luận quan tâm là cơ chế này sẽ được thực hiện như thế nào để thực sự tháo gỡ được khó khăn của thị trường BĐS.

Tại Nghị quyết 02/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các NHTM nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp mua nhà ở, cho vay các dự án nhà ở xã hội. Điều đang được dư luận quan tâm là cơ chế này sẽ được thực hiện như thế nào để thực sự tháo gỡ được khó khăn của thị trường BĐS.

Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được vay tiền từ các NHTM nhà nước để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội cũng được vay vốn với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ.   

Ngay trong quý I-2013, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn quy chế cho vay các đối tượng trên để đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các khoản tín dụng này. Theo đó, NHNN sẽ dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các NHTM nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Bình,
Thống đốc NHNN

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, nhu cầu loại nhà giá dưới 1 tỷ đồng trên thị trường rất cao. Bởi vậy các chính sách của Nghị quyết 02 đưa ra nhằm hỗ trợ phân khúc này. Những phân khúc BĐS cao cấp như biệt thự, căn hộ cao cấp… sẽ để cho tư nhân tự định đoạt và thị trường điều chỉnh.

Là ngân hàng đầu tiên công bố chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2013-2015 để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh BĐS.

Trong đó, dành khoảng 19.500 tỷ đồng để triển khai gói sản phẩm cho vay cá nhân để mua, thuê mua nhà ở xã hội (riêng năm 2013 cho vay khoảng 3.000 tỷ đồng). Mức cho vay tối đa 85% giá trị nhà mua, thời hạn vay tối đa 15 năm, lãi suất cho vay bằng 90% lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của BIDV.

Dành khoảng 10.500 tỷ đồng cho chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2013-2015 để cho vay các đối tượng như chủ đầu tư triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích sàn căn hộ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; chính quyền địa phương trực tiếp triển khai đầu tư hoặc mua lại nhà ở phục vụ tái định cư, tạo lập quỹ nhà ở xã hội… Mức cho vay tối đa là 70% tổng mức đầu tư dự án, thời hạn tối đa 36 tháng (trường hợp đặc biệt tối đa 60 tháng), lãi suất cho vay bằng mức lãi suất cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB (lãi suất ưu đãi).  

Nhà ở xã hội tại quận 12, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Nhà ở xã hội tại quận 12, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, áp dụng lãi suất khoảng 6-6,5%/năm người vay mua nhà ở xã hội mới có thể chấp nhận được. Nhưng vấn đề là hiện nay trần lãi suất huy động đang ở mức 8%/năm, nên phải có sự hỗ trợ từ chính sách các NHTM mới có thể cho vay ra với mức lãi suất 6-6,5%/năm.

“NHNN trên cơ sở thẩm tra chương trình tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội của các NHTM nhà nước, xem xét tái cấp vốn khoảng 30-40% doanh số cho vay (thời hạn 5-10 năm) với lãi suất khoảng 4-4,5%/năm. Như vậy đơn vị cho vay ra có thể áp dụng mức lãi suất cho vay ra 6-6,5%. Con số 60% dư nợ cho vay còn lại, cho phép các đơn vị cho vay được tổng hòa trong các quan hệ kinh doanh khác của mình để bù đắp” - ông Trần Bắc Hà đề xuất. 

Điều được dư luận quan tâm hiện nay với chương trình này là mức lãi suất ưu đãi cho người vay mua nhà ở là bao nhiêu, thời hạn cho vay bao lâu? Điều này rất quan trọng, nó ảnh hưởng sát sườn đến đối tượng vay mua nhà ở theo quy định. Loại cho vay nhà ở diện trong quy định này (diện tích dưới 70m2, giá 15 triệu đồng/m2), mức lãi suất khoảng 6%/năm là hợp lý.

TS. TRẦN DU LỊCH,
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM

Trong khi đó, một NHTM nhà nước lớn khác là Agribank cho biết cũng đang triển khai xây dựng đề án thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Agribank, ngân hàng này sẽ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng mặt trận chính vẫn là tam nông, mục tiêu của Agribank không phải cho vay vào BĐS nên đóng góp của Agribank để “giải cứu” BĐS không thể lớn như BIDV.

Vì thế, trong thời gian tới, Agribank không bơm tiền vào mọi dự án BĐS mà có sự chọn lọc kỹ càng. Theo đó, trật tự ưu tiên hỗ trợ BĐS của ngân hàng này trước hết sẽ tập trung vào các dự án của chính mình đã giải ngân.

Với những dự án này, ngân hàng và chủ đầu tư cùng tập trung thẩm định lại, xác định phương án đầu ra, sau đó ngân hàng mới cơ cấu lại các khoản nợ cũ và tiếp tục giải ngân thêm.

TS. Bảo cho rằng, để các NHTM nhà nước thực hiện thành công định hướng hỗ trợ thị trường BĐS, trước hết, các địa phương tồn đọng nhiều dự án tồn kho phải điều chỉnh lại quy hoạch, sửa lại công năng các dự án, chuyển đổi phân khúc thị trường từ cao cấp đến phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình, nhà ở xã hội.

Trong đó, đáng chú ý là điều chỉnh phần cầu thuộc 8 đối tượng nhà ở xã hội là rất cần thiết. Từ đó, nhằm tác động tốt đến tính thanh khoản thị trường để cung cầu thị trường được cân đối hơn.

Các tin khác