Dự luật Duy Ngô Nhĩ kêu gọi trừng phạt các cá nhân có liên quan tới việc "giam giữ, tra tấn và quấy rối" người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương. Trong các cá nhân này có Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Dự luật yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 180 ngày từ khi ban hành luật, đệ trình lên quốc hội danh sách quan chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những quan chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Dự luật cũng kêu gọi các công ty và công dân Mỹ đang hoạt động tại khu vực Tân Cương thực hiện các biện pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không bị ảnh hưởng bởi lực lượng lao động “bị cưỡng ép” tại đây.
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm cải tạo. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc này và khẳng định đó là các "trung tâm đào tạo nghề" và người Duy Ngô Nhĩ hoàn toàn tự nguyện vào các trung tâm này. Tuyên bố này không thuyết phục được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Ở động thái liên quan mới nhất, Bộ Thương mại Mỹ ngày 22/5 đã bổ sung 33 tập đoàn và tổ chức Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì “có liên quan tới hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền, giam giữ tùy tiện quy mô lớn, lao động cưỡng ép và giám sát công nghệ cao nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ”.
Các công ty này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nhận diện gương mặt, thị trường mà những công ty sản xuất chip điện tử của Mỹ như Nvidia và Intel đã đầu tư rất lớn.
Trong số các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có NetPosa, một trong những công ty về trí tuệ nhân tạo nổi tiếng nhất của Trung Quốc, được cho là có liên quan tới hoạt động giám sát người Hồi giáo tại Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết nếu bị đưa vào danh sách trừng phạt, các công ty và tổ chức sẽ không được phép tiếp cận công nghệ Mỹ khi chưa có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Hồi tháng 10/2019, Bộ Thương mại Mỹ cũng từng đưa 28 tập đoàn và tổ chức nhà nước của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt với cáo buộc tương tự, trong đó có những công ty phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu như Hikvision.