OPEC+ giảm sản lượng dầu: Vừa giúp Nga, vừa giúp Tổng thống Mỹ?

(ĐTTCO) - Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu được xem là bước đi giúp Nga vượt trừng phạt; đồng thời có thể có lợi cho Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Các nước OPEC+ đồng loạt cắt giảm nguồn cung dầu thô.
Các nước OPEC+ đồng loạt cắt giảm nguồn cung dầu thô.

Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Iraq, Algeria và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đồng loạt tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu trong năm nay.

Theo đó, các nước huộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) lần lượt tuyên bố tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 500.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm 2023.

Bộ Dầu mỏ Iraq cho rằng, động thái trên là một "biện pháp phòng ngừa" được thực hiện với sự phối hợp của một số quốc gia thuộc OPEC+ nhằm ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trong khi đó, Saudi Arabia bày tỏ mong muốn hỗ trợ giá, giúp Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo nhận định của trang AP, ít dầu chảy đến các nhà máy lọc dầu hơn đồng nghĩa với việc giá xăng dầu sẽ tăng cao hơn và có thể thúc đẩy lạm phát "tấn công" Mỹ và châu Âu. Đổi lại, điều này cũng có thể giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tác giả Rick Newman viết trên trang Finance Yahoo rằng, xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu nhập lớn nhất của Moscow. Vì vậy, quyết định cắt giảm sản lượng dầu có thể giúp Saudi Arabia bảo vệ lợi ích kinh tế của chính họ và việc giúp đỡ Nga - dù cố ý hay vô tình - đã tạo ra "bức màn địa chính trị nguy hiểm".

Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của OPEC+ là vô lý và tuyên bố sẽ làm việc với các hãng sản xuất và người tiêu dùng để ổn định giá xăng cho người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bởi lẽ, quyết định này của các nước (OPEC+ đã nhanh chóng đẩy giá dầu tăng khoảng 5USD/thùng, lên khoảng 81USD tại Mỹ.

Một số nhà dự báo nhận thấy giá xăng có thể tăng thêm 10-15% sau quyết định này. Giới chuyên gia cũng cho rằng, những thay đổi cận biên trong nguồn cung có thể có tác động rõ rệt đến giá cả.

Tuy nhiên, quyết định giảm sản lượng dầu được đưa ra đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp khởi động chiến dịch tái tranh cử.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như không còn phụ thuộc vào các quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông như trước đây và động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể có lợi cho Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trước hết, quyết định này có thể mở ra con đường để giải quyết tình trạng bế tắc về trần nợ có thể sớm đạt đến khủng hoảng tại Mỹ. Nó cũng có thể tạo động lực cho các cải cách nhằm bảo vệ năng lượng carbon cũng như năng lượng xanh.

Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát gần đây đã thông qua dự luật năng lượng. Dự luật này sẽ hợp lý hóa việc cấp phép cho các đường ống dẫn khí đốt và các loại cơ sở hạ tầng khác, đồng thời ban hành các biện pháp khác để bảo vệ nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch.

Dự luật bao gồm một số yếu tố mà đảng Dân chủ sẽ không bao giờ bỏ phiếu, chẳng hạn như việc bãi bỏ một số phần trong dự luật năng lượng xanh của chính đảng Dân chủ từ năm ngoái.

Bên cạnh đó, gần đây, Tổng thống Biden đã phê duyệt dự án khoan dầu ở Alaska và cho phép khoan mới ở Vịnh Mexico. Đây được xem là sự thừa nhận Mỹ sẽ cần nguồn cung cấp dầu và khí tự nhiên dồi dào trong nhiều thập niên.

Tại Mỹ, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang tranh cãi về trần nợ và cần một số thỏa hiệp để chấm dứt tình trạng bế tắc và để Bộ Tài chính Mỹ vay tiền thanh toán các hóa đơn của quốc gia. Năng lượng có thể là con đường dẫn đến sự thỏa hiệp để giải quyết vấn đề này.

Các nhà phân tích cho biết, các nguồn cung cấp năng lượng mới trong nước đang ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với các cuộc đàm phán về thỏa thuận trần nợ.

Các tin khác