Đoàn phim CODA nhận giải Phim hay nhất tại Oscar 2022. Ảnh: Reuters
Xứng đáng
Khi cái tên Jane Campion được xướng lên ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất tại Oscar, một kỷ lục mới đã được xác lập. Đó là lần đầu tiên sau hơn 9 thập kỷ, có hai người phụ nữ liên tiếp được vinh danh hạng mục Đạo diễn xuất sắc (năm 2021 là Chloé Zhao với Nomadland).
Nhưng, đáng nói hơn Jane Campion đã có cuộc “soán ngôi” ấn tượng trước đạo diễn gạo cội Steven Spielberg. Năm 1994, khi lần đầu đề cử hạng mục này với bộ phim The Piano, bà đã không thể vượt qua đồng nghiệp của mình. Năm đó, Schindler’s List mang về cả hai danh hiệu Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc cho Steven. Nhưng sau 28 năm, cuối cùng nữ đạo diễn sinh năm 1954 đã có giải.
Dẫu vậy cũng có một điểm chung giữa Steven và Jane tại Oscar 2022 khi bộ phim của họ chỉ ra về duy nhất với 1 tượng vàng Oscar. Riêng với The Power of the Dog, dù được đặt cược rất cao nhưng không thể mang về cho bà chiến thắng quan trọng ở hạng mục Phim hay nhất. Cái tên được xướng lên cuối cùng là CODA (viết tắt của Child of Deaf Adults - chỉ đứa trẻ bình thường được nuôi dạy bởi ít nhất một người khiếm thính).
Chỉ có 3 đề cử nhưng bộ phim CODA của nữ đạo diễn Sian Heder toàn thắng ở cả 3 hạng mục Phim hay nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất và Nam diễn viên phụ xuất sắc. CODA cũng là phim được phát hành trực tuyến đầu tiên giành chiến thắng Phim hay nhất trong lịch sử Oscar sau thương vụ APPLE TV+ mua quyền phát hành với giá kỷ lục 25 triệu USD. Đặc biệt, với Troy Kotsur, ông trở thành diễn viên khiếm thính thứ 2 chiến thắng tượng vàng Oscar.
“Thật tuyệt vời khi có mặt ở đây trong hành trình này. Tôi không thể tin tôi ở đây”, Kotsur chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu trên sân khấu sau khi được Yuh Jung Youn (thắng hạng mục nữ phụ năm 2021) công bố chiến thắng cũng bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Năm nay, nhiều hạng mục chính tại Oscar đã không có bất ngờ nào xảy ra. Jessica Chastain trong The Eyes of Tammy Faye thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Encanto thắng giải Phim hoạt hình hay nhất hay Drive My Car với giải Phim quốc tế hay nhất đều nằm trong dự đoán. Chiến thắng của “thần đồng âm nhạc” Billie Eilish cùng cộng sự Finneas O’Connell ở hạng mục Ca khúc trong phim hay nhất với No Time To Die cũng được khẳng định hoàn toàn thuyết phục. Trong khi đó, bộ phim có nhiều chiến thắng nhất năm nay là bom tấn DUNE, với 6 giải.
Hợp và tan
Có lẽ đó là 2 từ miêu tả ngắn gọn nhưng khái quát về những gì được xem là nổi bật nhất lễ trao giải Oscar năm nay. Sau 2 năm phải thay đổi cách thức, quy mô tổ chức vì ảnh hưởng của dịch bệnh, lễ trao giải của Viện Hàn lâm trở lại gần như nguyên vẹn với phiên bản vốn có.
Sân khấu lễ trao giải có sự dẫn dắt của 3 MC: Regina Hall, Amy Schumer và Wanda Sykes. Màn trình diễn các ca khúc nhạc phim nổi bật trong năm đã được tái hiện, dàn dựng trên sân khấu hoành tráng, giàu cảm xúc.
Sân khấu Oscar đã chứng kiến màn tái hợp của các ê-kíp gồm đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất… lừng danh của những bộ phim đã đi vào huyền thoại. 50 năm kể từ thời điểm phát hành The Godfather, khán giả ái mộ điện ảnh mới chứng kiến sự trở lại của đạo diễn Francis Ford Coppola cùng hai tài tử Robert De Niro và Pacino trên sân khấu. Tương tự, bộ ba của Pulp Fiction gồm Samuel L Jackson, Uma Thurman và John Travolta cũng tái ngộ. Và, không thể không nhắc đến một video tổng kết những khoảnh khắc vàng của thương hiệu 007 - bộ phim gắn liền tên tuổi nhiều tài tử lừng danh.
Nhưng, phần công bố các hạng mục giải thưởng tại Oscar năm nay đều bị lu mờ trước một “sự cố” không ai ngờ đến. Will Smith đã tiến lên sân khấu và tát thẳng vào mặt diễn viên hài Chris Rock (khách mời công bố giải thưởng) khi có những ngôn từ giễu cợt vợ anh - diễn viên Jada Pinkett Smith. Sau đó, dù quay về chỗ ngồi nhưng Will còn liên tục dùng từ ngữ nhạy cảm, phản ứng mạnh trước hành động của đồng nghiệp.
Theo nhiều trang báo quốc tế, hành động này là “giọt nước tràn ly” sau những căng thẳng từ năm 2016 khi Chris Rock buông lời trêu chọc với lời lẽ khá nhạy cảm với Pinkett Smith về việc cô biểu tình chống “Oscar So White” (Oscar toàn người da trắng).
Hành động của Will khiến nhiều người có mặt tại lễ trao giải ngơ ngác và làm lu mờ hoàn toàn những gì xảy ra sau đó, kể cả phần tưởng niệm những nhà làm phim đã qua đời năm qua hay công bố các hạng mục chính. Sau đó, Will trở lại sân khấu để nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (phim King Richard), xin lỗi Viện hàn lâm và những người được đề cử vì hành động của mình. Sở Cảnh sát Los Angeles sau đó xác nhận họ biết sự việc xảy ra nhưng hiện chưa có ai liên quan lên tiếng trình báo. Nghiễm nhiên, nó gây ra những tranh cãi trái chiều và chắc chắn chưa đi đến hồi kết.